MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng mua sắm trực tuyến nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Phương Trang

Người tiêu dùng Việt dành hơn 37 triệu giờ mua hàng qua livestream

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 14/02/2023 17:42
Theo dự báo trong năm 2023, xu hướng tiêu dùng số của người Việt Nam sẽ càng được mở rộng khi người tiêu dùng ngày càng thông thạo công nghệ và tăng cường sử dụng các dịch vụ số cho nhu cầu hằng ngày.

Hôm 14.2, một trong những sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á (Shopee) đã đưa ra những dự báo về 3 xu hướng tiêu dùng chính, sẽ góp phần định hình nền kinh tế số tại Việt Nam trong năm 2023 bao gồm: Tăng cường sử dụng và thông thạo các dịch vụ số, sự gia tăng sử dụng dịch vụ tiêu dùng số tại các khu vực tỉnh thành nhỏ và người dùng trẻ tuổi trở thành nhóm người dùng số chủ lực.

Trước xu hướng phát triển của công nghệ, người tiêu dùng Việt Nam đã nhận thấy sự tiện ích và các dịch vụ số mang lại. Họ ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các nền tảng này, đồng thời mong muốn nhận được thêm nhiều giá trị và trải nghiệm trực tuyến hoàn chỉnh hơn.

Theo thống kê trong năm 2022, người dùng đã dành hơn 37 triệu giờ trên Shopee Live - là tính năng hỗ trợ Người bán thực hiện livestream để bán các sản phẩm đang có tại sàn thương mại điện tử này. Thông qua đó, người tiêu dùng đã kết nối tốt hơn, tương tác với nhà bán hàng yêu thích để tìm hiểu về các sản phẩm mình quan tâm trước khi đặt mua. Ngoài ra, người dùng trên sàn thương mại điện tử này đã để lại hơn 268 triệu đánh giá về các sản phẩm và nhà bán hàng trên nền tảng, giúp những người dùng khác đưa ra quyết định mua hàng tốt hơn.

Con số này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu mua sắm trực tuyến cao nhưng cũng cẩn trọng, chủ động và thông minh trong việc mua hàng trực tuyến. Trước đó, theo báo cáo “Thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á: Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng” năm 2022, từ Lazada Việt Nam cứ 10 người Việt Nam có đến 8 người mua sắm trực tuyến và tăng cao vào các dịp lễ, Tết, các đợt khuyến mãi lớn… Họ cũng dự đoán, mua sắm thông qua livestream trên thương mại điện tử ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm 2023.

Ngoài ra, cũng theo thống kê xu hướng số lượng người dùng ở các vùng nông thôn và ngoại thành Việt Nam chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến ngày một tăng. Ngoài các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, người tiêu dùng tại Đồng Nai, Bình Dương và Hải Phòng cũng mua sắm trực tuyến với số lượng đơn đặt hàng lớn. Thông qua thương mại điện tử, họ có thể tăng cường kết nối với các thương hiệu và nhà bán hàng, tiếp cận các sản phẩm có chất lượng với mức giá phải chăng một cách thuận tiện hơn.

Thương mại điện tử đang dần thay thế thương mại truyền thống. Ảnh: Vũ Long

Người dùng ở khu vực ngoại thành ngày càng quen thuộc với việc tương tác cùng các thương hiệu, nhà bán hàng thông qua các buổi phát trực tiếp, và dần chuyển sang các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch của họ.

Cũng theo báo cáo, nhóm người dùng tích cực nhất thuộc vào độ tuổi từ 18 đến 34 tuổi. Theo ghi nhận, người dùng thuộc nhóm này có số lượng đơn hàng nhiều hơn 1,5 lần so với lượng đơn hàng trung bình của một người dùng trên sàn thương mại điện tử này trong năm 2022. Nhóm người dùng trẻ tuổi dành nhiều sự quan tâm đến các ngành hàng Sức khỏe và Sắc đẹp, Thời trang, Điện tử và Đồ gia dụng, trong đó các sản phẩm chăm sóc da, thời trang nữ, điện thoại thông minh và phụ kiện được đặt mua nhiều nhất.

Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử (TMĐT) nửa đầu năm 2022 của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn, Việt Nam trở thành thị trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trong bối cảnh phát triển vượt bậc sau đại dịch COVID-19. Hãng Statista nhận định, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ liên tục tăng trưởng mạnh mẽ và có thể cán mốc 39 tỉ USD vào năm 2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn