MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Robot đang dần trở thành yếu tố không thể thiếu trong ngành công nghiệp sản xuất. Ảnh: AFP

Robot, trợ thủ đắc lực của ngành công nghiệp thế giới

Linh Chi LDO | 08/06/2022 15:37
Các nhà máy và công ty đang có xu hướng ứng dụng robot  ngày càng nhiều, khiến chúng trở thành những trợ thủ đắc lực trong ngành công nghiệp khắp nơi trên thế giới.

Hiệp hội thúc đẩy tự động hóa Mỹ (AAA) cho biết lượng đơn đặt hàng robot tại các doanh nghiệp nước này tăng kỷ lục 40% trong quý I.2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Số đơn hàng robot này cũng đạt tổng trị giá 1,6 tỉ USD năm 2021, tăng tới 22% sau nhiều năm trì trệ.

Liên đoàn robot quốc tế (IFR) cho biết hiện tại Nhật Bản có khoảng 306.700 robot công nghiệp đang làm việc, hầu hết là trong ngành công nghiệp ô tô. Khoảng 35% trong số này đóng vai trò sản xuất các bộ phận, trong khi 29% khác đang tự sản xuất ô tô, theo IFR.

Hiện nay, thách thức lớn nhất mà các nhà sản xuất đang phải đối mặt chính là sự chênh lệch giữa nhu cầu của thị trường và nguồn lao động sẵn có. Yêu cầu tăng lương và thiếu hụt nguồn nhân lực, cùng những vấn đề liên quan đến COVID-19, đang làm thay đổi thái độ của giới sản xuất với robot. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Tập đoàn Deloitte và The Manufacturing Institute cho thấy trong 10 năm tới, các nhà sản xuất sẽ cần thêm khoảng 4.6 triệu việc làm, 2.4 triệu trong số đó sẽ không được đáp ứng.
Robot đã giúp giải quyết vấn đề nhân lực ở nhiều nhà máy trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành. Ảnh chụp màn hình

"Trước đây, bạn có thể chọn tăng tối đa nhân lực, thay vì đi tìm giải pháp hợp lý", Joe Montano, CEO công ty Delphon Industries sản xuất vỏ chất bán dẫn, thiết bị y tế và linh kiện hàng không vũ trụ, chia sẻ. Tuy nhiên, Delphon mất 40% số ngày làm việc trong tháng 1 sau khi COVID-19 lây lan trong đội ngũ công nhân, buộc ban lãnh đạo phải đặt mua ba robot.

Tại Athena Manufacturing LP, công ty chế tạo và gia công thiết bị kim loại, Giám đốc tài chính John Newman cho biết số đơn hàng đang tăng nhanh trong khi doanh nghiệp phải vật lộn để thuê đủ công nhân làm việc ca chiều các ngày trong tuần và cuối tuần. Họ quyết định mua 7 robot trong vòng 18 tháng qua, trong đó có một robot chuyên mài các mối hàn trên khung thép giữ thiết bị bán dẫn. Newman nói Athena đã đầu tư 800.000 USD vào robot, trong đó khoảng 225.000 USD dành riêng cho robot hàn.

Lợi thế của robot khi làm việc là bền bỉ, không cần nghỉ ngơi và là giải pháp tối ưu để tăng sản lượng sản xuất. Chu trình sản xuất được lập trình tối ưu cùng hoạt động liên tục không gián đoạn. Ông khẳng định các khoản đầu tư nhằm mục đích tăng năng lực xử lý đơn đặt hàng hơn là giảm chi phí, vì một nhân viên thường mất ba giờ để hoàn thành mài mối hàn trong khi robot chỉ mất 30 phút.

"Robot làm việc không ngừng nghỉ, còn con người cần nghỉ ngơi vì đó là công việc nặng nhọc", ông John Newman nói.

Daron Acemoglu, giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, cảnh báo các nhà máy ngày càng phụ thuộc vào tự động hóa sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa nhân công và giảm tiền lương trong những năm tới, trừ khi có đầu ra trong các ngành công nghiệp khác.

"Nếu tự động hóa diễn ra quá nhanh, rất nhiều việc làm có thể bị triệt tiêu", ông nói.

"Robot ngày càng trở nên dễ sử dụng hơn. Các công ty từng nghĩ rằng tiến hành tự động hóa là quá khó hoặc quá đắt đỏ", Michael Cicco, CEO Fanuc America, công ty chuyên cung cấp robot công nghiệp cỡ lớn, cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn