MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Tadashi Hattori khám và phẫu thuật cho bệnh nhân Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

20 năm đem lại “sự giàu có” cho bệnh nhân nghèo Việt Nam

Vân Anh LDO | 25/01/2023 06:21

Người Việt Nam có câu “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” có một vị bác sĩ Nhật Bản 20 năm qua đã bỏ công việc lương cao ở quê nhà để đem đến “sự giàu có” cho các bệnh nhân nghèo Việt Nam. Ông là giáo sư bác sĩ nhãn khoa Tadashi Hattori - Chủ tịch, giáo sư Trường Đại học Y khoa Tokyo, giáo sư mời giảng Trường Đại học Osaka, một trong bốn người nhận Giải thưởng Ramon Magsaysay 2022, thường được gọi là “Giải Nobel của Châu Á”.

Cơ duyên với Việt Nam

Tháng 10.2001, tại hội nghị do trường cũ của bác sĩ Hattori Tadashi theo học - Đại học Y khoa Tokyo tổ chức - ông đã gặp một bác sĩ Việt Nam và đây là cơ duyên khiến sau nửa năm băn khoăn suy nghĩ, ông đã xin nghỉ việc ở một bệnh viện có mức đãi ngộ cao ở Nhật Bản. Sau đó, ông đến Việt Nam để phẫu thuật tình nguyện và hướng dẫn cho nhân viên y tế, dự kiến trong vòng 3 tháng kể từ tháng 4.2002. Trong quãng thời gian này, ông liên tiếp trải nghiệm những điều không thể xảy ra ở Nhật Bản.

Bác sĩ Tadashi bất ngờ vì nhiều bệnh nhân mù một mắt, đến khi mắt còn lại bị bong võng mạc không nhìn thấy gì mới lần đầu tiên đến bệnh viện. Có những bệnh nhân nếu không phẫu thuật thì không thể cứu được nhưng vẫn nhất quyết về nhà vì không có tiền phẫu thuật. Đau lòng khi đối mặt với thực tế không thể cứu được bệnh nhân mà mình có thể điều trị được do thiếu thốn vật tư và thiết bị phẫu thuật, ông về lại Nhật Bản với mong muốn tìm cách nào đó khắc phục tình trạng này. Ông đã đề nghị công ty bán thiết bị y tế từng giúp đỡ ông trong thời gian làm việc tại bệnh viện trước đây hỗ trợ, nhưng họ từ chối vì ông đã nghỉ việc tại bệnh viện nổi tiếng và cũng không còn giữ chức vụ nào.

Ông thuyết phục được vợ mình rằng “anh có thể sống ở nhà thuê, nhưng nếu không được phẫu thuật ngay thì người bệnh có thể bị mù. Nếu dùng số tiền tiết kiệm để mua kính nội soi mắt và dụng cụ y tế mới nhất thì một năm ít nhất có thể cứu được hơn 2.000 người và có thể thực hiện được cả những ca phẫu thuật khó, vì vậy hãy cho anh sử dụng số tiền đó”. Trước đó vợ ông chính là người phản đối ông hoạt động tình nguyện tại Việt Nam. Nhưng thấy chồng tha thiết, bà đã đồng ý. Vậy là ông đã dùng số tiền vài triệu yên tích cóp để mua thiết bị, vật tư y tế và quay trở lại Hà Nội. Nhờ đó, các ca phẫu thuật được tiến hành nhanh hơn trước đây, số lượng bệnh nhân bỏ điều trị cũng giảm đi.

Thời hạn 3 tháng trôi qua nhanh chóng. Giáo sư Kinoshita, người thầy của bác sĩ Tadashi, đã hứa giới thiệu ông đến một bệnh viện lớn sau thời gian đó. Tuy nhiên, ông không thể bỏ lại rất nhiều bệnh nhân đang chờ phẫu thuật để rời Việt Nam. Ông đã gọi điện cho giáo sư Kinoshita để từ chối và lựa chọn ở lại Việt Nam tiếp tục phẫu thuật miễn phí.

Có một kỷ niệm làm bác sĩ Tadashi day dứt, đó là về cậu bé 6 tuổi đã bị mù một mắt và mắt còn lại chỉ có thể cảm nhận được ánh sáng. Ông đã đưa ngay cậu bé vào danh sách phẫu thuật, nhưng tới ngày mổ cậu bé không đến. Ông hỏi nhân viên thì được biết vì không có tiền nên cậu bé đã về nhà. Ông vô cùng ân hận và nghĩ đến tương lai của đứa trẻ đó, ông bắt đầu phẫu thuật cho bệnh nhân bằng tiền của mình.

Tuy nhiên, số tiền tích luỹ cũng bắt đầu cạn kiện. Để tiếp tục hỗ trợ các bệnh nhân ở Việt Nam, ông đã sống ở Việt Nam 2 tuần và ở Nhật Bản 2 tuần. Vì đã dùng số tiền sinh hoạt phí và tiền trả trước khi mua căn hộ chung cư, nên ông định bụng sẽ tích luỹ số tiền này từng chút một tại Nhật Bản.

Để có các khoản tiền khác giúp đỡ cho người dân Việt Nam, bác sĩ Tadashi đã làm việc hết sức mình tại Nhật Bản. Trước đây, cứ 3 đến 5 năm là ông mua một chiếc ô tô mới, nhưng ông nghĩ nếu mua một chiếc Mercedes với giá 10 triệu yên thì với số tiền đó ông có thể giúp 1.000 bệnh nhân. Vậy là đến bây giờ ông vẫn đi chiếc xe đời 1997.

Những người bạn đồng hành

Bác sĩ Hùng, người đã sống cùng bác sĩ Tadashi trong những năm đầu tiên khi ông sang Việt Nam, là người phiên dịch và đóng góp rất nhiều cho các hoạt động của ông. Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo tại Bệnh viện Mắt Trung ương tại Hà Nội, bác sĩ Hùng quyết định không về Hải Phòng mà ở lại làm việc tại Bệnh viện Bưu điện để hỗ trợ ông.

Có lần, bác sĩ Hùng rủ ông đi khám bệnh ở vùng nông thôn vì một số bệnh nhân không có điều kiện ra Hà Nội nên ông mang theo dụng cụ y tế từ Hà Nội đi đến bệnh viện địa phương. Ở đó, ông mới biết rằng hầu hết các bệnh nhân vì nghèo khó nên không được khám chữa bệnh về mắt, dẫn đến mù loà là do đục thuỷ tinh thể. Kể từ đó, vào những ngày cuối tuần khi ở Việt Nam, ông thường dậy vào lúc 4 giờ sáng, đi cùng với bác sĩ Hùng đến những nơi mà chỉ riêng chiều đi cũng mất đến 8 tiếng. Các bác sĩ bệnh viện và sở y tế địa phương đã tập hợp những trường hợp bị mù loà do không có khả năng chi trả phí điều trị, và ông đã tiến hành phẫu thuật đục thuỷ tinh thể miễn phí cho khoảng 100 người vào những ngày cuối tuần. Số lượng đồng nghiệp cùng tham gia hoạt động cũng tăng dần lên.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio (trái) chúc mừng bác sĩ Tadashi Hattori được nhận Giải thưởng Ramon Magsaysay 2022. Ảnh: VÂN ANH
 

Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam Tôn Thị Kim Thanh đã hỗ trợ ông rất nhiều trong suốt thời gian công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương và kể cả sau khi bà nghỉ hưu. Bà Thanh cho biết, hơn 20 năm qua, bác sĩ Hattori đã cùng giải quyết những khó khăn của ngành nhãn khoa Việt Nam, đào tạo nhiều bác sĩ nhãn khoa thực hiện phẫu thuật phaco, đặc biệt là phẫu thuật dịch kính võng mạc, là những loại phẫu thuật khó. Bác sĩ luôn coi những bệnh nhân Việt Nam như người thân của mình, dùng mọi sự hiểu biết và yêu thương để điều trị cho họ.

Tán thành triết lý đồng hành cùng bệnh nhân để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao của bác sĩ Tadashi, tập đoàn Paris Miki HD đã đầu tư thành lập Bệnh viện Mắt quốc tế Nhật Bản. Bệnh viện này không chỉ hoạt động kinh doanh mà còn trích 10% lợi nhuận để cung cấp hỗ trợ y tế cho người nghèo. Dù Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua, nhưng khoảng cách chênh lệch về kinh tế ngày càng gia tăng và vẫn còn nhiều người mù loà do nghèo đói. “Sứ mệnh mà tôi được giao phó là biến sự tuyệt vọng thành hy vọng và giúp họ thoát khỏi sự nghèo đói” - bác sĩ Tadashi bộc bạch.

Bác sĩ Tadashi đã phẫu thuật cho khoảng 20.000 người, trong đó chủ yếu ở Việt Nam và các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, Indonesia. Số ca phẫu thuật mà học trò của ông thực hiện đã vượt xa con số 100.000 bệnh nhân. Ông cho rằng, bằng cách đào tạo một người, nhiều người sẽ có thể được giúp đỡ. Với tâm niệm đó, bác sĩ Hattori Tadashi đã hết mình truyền dạy kỹ thuật cho các bác sĩ trẻ với mong muốn học trò sẽ giỏi hơn mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn