MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại sứ Phạm Quang Vinh và Tổng thống Donald Trump. Ảnh chụp trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5.2017. Ảnh: NVCC

25 năm quan hệ Việt-Mỹ: Từ thù địch, hoà giải đến phát triển vượt bậc

Vân Anh (thực hiện) LDO | 02/05/2020 14:15

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, câu chuyện quan hệ Việt-Mỹ vừa khác biệt vừa đặc biệt so với các mối quan hệ khác, trải qua đầy đủ các cung bậc thăng trầm, từ chiến tranh, thù địch, cấm vận, đến hoà giải, tin cậy và phát triển vượt trên kỳ vọng.

Đại sứ có nhớ cảm xúc khi Mỹ và Việt Nam công bố bình thường hoá quan hệ?

- Gác lại được quá khứ thù hận để có thể bình thường hoá quan hệ, có lẽ đó là niềm vui của cả hai dân tộc. Nhưng để đến được ngày Tổng thống Bill Clinton công bố quyết định ấy là một chặng đường dài với những nỗ lực không mệt mỏi của cả Mỹ và Việt Nam. Trên con đường đó, có không ít trở ngại và thách thức.

Khó khăn lớn nhất là chiến tranh đã kết thúc nhưng cuộc chiến khốc liệt ấy để lại sự thù địch trong những năm sau đó, khiến hai bên không hiểu hết nhau, dẫn đến những nghi kỵ. Tiếp theo là câu chuyện giải quyết hậu quả chiến tranh, như tìm kiếm người Mỹ mất tích, phía Mỹ cũng chưa tin mình ngay. Rồi câu chuyện những vết hằn chiến tranh trong lòng nước Mỹ còn nặng nề, hội chứng chiến tranh liệu có vượt qua được không? Với Việt Nam cũng vậy, đau thương còn kéo dài trong bao gia đình khi những người con đã ngã xuống…

Từ đó để thấy rằng, đi tới quyết định bình thường hoá quan hệ, hai bên đã trải qua một chặng đường chông gai thế nào. Hàng loạt các cuộc đàm phán, tiếp xúc, những cầu nối đầu tiên được thiết lập. Trong đó, có những người đi đầu trong nỗ lực hàn gắn, cả những người có tên và những người không tên, để đến ngày 3.2.1994, Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Và hơn một năm sau, ngày 11.7.1995, hai nước chính thức bình thường hoá quan hệ, lịch sử hai quốc gia mở ra một chương mới.

Sau 25 năm nhìn lại, rõ ràng đó là sự khởi đầu tốt đẹp cho bước phát triển của quan hệ hai nước, vượt lên trên kỳ vọng của cả người ngoài cuộc và trong cuộc.

Đại sứ có thể nói rõ hơn về “những người có tên và không tên” có công trong nỗ lực hoà giải?

- Trong những hình ảnh phát đi trên khắp thế giới vào ngày 11.7.1995, đứng cạnh Tổng thống Bill Clinton là các nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng hoà và Dân chủ, đặc biệt là John Kerry và John McCain. Chỉ riêng hình ảnh đó cũng chứng tỏ sự đồng thuận của hai đảng lớn nhất ở Mỹ trong quyết định bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Những người “có tên” này, cùng với những người “không tên” là các cựu binh Mỹ, các tổ chức nhân đạo… đứng sau các cuộc tiếp xúc, hội đàm kéo dài nhiều năm trời. 

Tôi đã có dịp tiếp xúc với cả hai ông John Kerry và John McCain, hai nhân vật tiêu biểu và có công rất lớn để mối quan hệ Việt-Mỹ phát triển như ngày nay. Hai ông thuộc hai đảng khác nhau, đều từng trong chiến tranh Việt Nam. Hai con người rất khác biệt trong quan điểm về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng riêng trong chuyện bình thường hoá quan hệ với Việt Nam thì có sự đồng thuận lớn, là trụ cột để tập hợp thế hệ chính trị gia thời chiến tranh Việt Nam ủng hộ quan hệ hai nước. 

Về sau này, mỗi ông đều có những đóng góp khác nhau cho việc bồi đắp quan hệ Việt-Mỹ, với ông John Kerry trên cương vị Ngoại trưởng, và ông John McCain trên cương vị thượng nghị sĩ. Những câu chuyện coi trọng Việt Nam, vị thế của Việt Nam ở khu vực, đóng góp của Việt Nam cho quốc tế là tầm nhìn của hai ông cho mối quan hệ này. Các chuyến thăm cấp cao, mở đầu là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton năm 2000, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ năm 2015… đều có những dấu ấn hậu trường của ông John Kerry và John McCain. Cố thượng nghị sĩ John McCain thậm chí có lẽ là người đầu tiên gọi chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “chuyến thăm lịch sử” và có tuyên bố riêng.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông khi làm Đại sứ ở Mỹ? Thời kỳ đó, chủ trương hoà giải, khép lại quá khứ hướng tới tương lai của Việt Nam được cộng đồng người Việt ở Mỹ đón nhận thế nào?

- Trước hết phải khẳng định rằng, sự chuyển mình của Việt Nam trong công cuộc đổi mới đã được nhìn nhận rất khác trong con mắt của thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng. Việt Nam ngày càng hội nhập và có vị thế ngày càng tăng, đất nước phát triển, quyền lợi của người dân được mở rộng. Đó là câu chuyện lớn trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Những chính sách với bà con, trong đó có Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài - xuất phát từ chủ trương người Việt ở nước ngoài là một bộ phận của dân tộc - đã đề ra những biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác…

Ở Mỹ, nhìn chung cộng đồng người Việt đón nhận những chủ trương này một cách cởi mở. Dù đây đó vẫn còn những quan điểm trái ngược, song đại bộ phận bà con ngày càng tin tưởng và gắn bó với quê hương. Trong những chuyến công tác đến California, tôi đã cảm nhận và chứng kiến tận mắt những tình cảm đó.

Các chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam mà Đại sứ được tham dự có ý thế nào trong quan hệ Việt- Mỹ?

- Chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay USS Carl Vinson tới Việt Nam là vào tháng 3.2018, sau khi hai bên đã thiết lập quan hệ 23 năm. Trong chặng đường 23 năm này, hai bên đã phát triển quan hệ trong tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội, đến an ninh, quốc phòng.

Tháng 3.2020, chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt đánh dấu lần thứ hai trong vòng bốn thập niên, một hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam. Hơn 50 năm sau cuộc chiến, tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam chắc chắn thể hiện bước phát triển tin cậy của hai nước. Chuyến thăm không chỉ để trao đổi, hợp tác quốc phòng, mà các hoạt động giao lưu của thuỷ thủ đoàn và người dân địa phương, là thông điệp rất lớn về hoà bình, hợp tác và đa dạng hoá quan hệ. Điều này được thể hiện rõ hơn khi không chỉ tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam, mà Việt Nam cũng đã đón tàu của Anh, Nhật Bản, Australia, Philippines, Hàn Quốc… cập cảng.

Năm ngoái, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã có chuyến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và cầu Hiền Lương. Đại sứ có bình luận gì về chuyến thăm này?

- Tôi cho rằng, đây là chuyến thăm mang tính biểu tượng của sự hoà giải và tôn trọng lẫn nhau. Quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước phát triển toàn diện. Chiến tranh đã khép lại, hai bên cùng hướng đến tương lai. Nhưng trong khi khép lại quá khứ, hai bên vẫn nỗ lực giải quyết những vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh, như tìm kiếm người Mỹ mất tích, tháo gỡ bom mìn, tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, Biên Hoà. Những sự hợp tác đó rất đáng hoan nghênh.

Quan hệ Việt - Mỹ vừa khác biệt vừa đặc biệt. Khác biệt lớn nhất là hai bên đã trải qua cuộc chiến cực kỳ tàn khốc để lại hậu quả cực kỳ lớn. Điều đặc biệt là sau những năm chiến tranh, cấm vận thù địch, thì những năm tiếp theo là phát triển vượt bậc về quan hệ, và phát triển trong một thời gian ngắn. Đến nay, dù hai nước có hai chế độ khác nhau, nhưng bên này tôn trọng thể chế của bên kia, nhìn vào những lợi ích song trùng để cùng khai thác, cùng hợp tác.

Lấy ví dụ năm 1995, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới dừng ở 450 triệu USD, thì đến nay đã là hơn 60 tỉ USD. 25 năm đã qua là cơ hội để nhìn lại, nhưng cũng là dịp để tiếp tục phát triển mối quan hệ này lên những tầm cao mới.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn