MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát hiện bất ngờ thách thức các lý thuyết hiện tại về cách thiên hà phát triển. Ảnh: Đại học Rutgers-New Brunswick.

36 thiên hà lùn đồng loạt bùng nổ sao mới, thách thức hiểu biết về vũ trụ

Thanh Hà LDO | 25/05/2021 17:58
Hiện tượng bùng nổ các ngôi sao mới xảy ra đồng thời ở 36 thiên hà lùn cách xa nhau trong vũ trụ.

Mạng xã hội ngoài thiên hà bí ẩn

Các thiên hà cách nhau hơn 1 triệu năm ánh sáng nên hoàn toàn độc lập về thời điểm sinh ra những ngôi sao mới. Nhưng các thiên hà cách nhau tới 13 triệu năm ánh sáng cùng chậm lại và sau đó đồng thời tăng tốc độ sinh ra các ngôi sao mới, theo một nghiên cứu của Đại học Rutgers-New Brunswick, Mỹ, công bố trên Tạp chí Vật lý Thiên văn.

Phát hiện bất ngờ về các thiên hà lùn này đang thách thức những lý thuyết hiện tại về sự phát triển của các thiên hà và có thể tăng thêm hiểu biết của nhân loại về vũ trụ.

"Dường như những thiên hà này đang phản ứng với một sự thay đổi quy mô lớn trong môi trường của chúng giống như cách một nền kinh tế tốt có thể thúc đẩy sự bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boom)" - tác giả chính của nghiên cứu Charlotte Olsen - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Vật lý và Thiên văn của trường Nghệ thuật và Khoa học tại Đại học Rutgers-New Brunswick - cho biết.

Hơn 30 thiên hà lùn cách xa nhau đồng thời bùng nổ các ngôi sao mới. Ảnh: Đại học Rutgers-New Brunswick.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng bất kể những thiên hà này có ở ngay bên cạnh hay không, chúng đều dừng lại và sau đó bắt đầu hình thành các ngôi sao mới cùng một lúc, như thể tất cả chúng đều ảnh hưởng lẫn nhau thông qua một mạng xã hội ngoài thiên hà nào đó" - đồng tác giả Eric Gawiser, giáo sư tại Khoa Vật lý và Thiên văn học, chia sẻ.

Kỳ vọng vào kính thiên văn thế hệ mới của NASA

Tỉ lệ sinh sao giảm đồng thời ở 36 thiên hà lùn này bắt đầu từ 6 tỉ năm trước và sự gia tăng bắt đầu từ 3 tỉ năm trước.

Để hiểu cách các thiên hà phát triển đòi hỏi tìm hiểu nhiều quá trình ảnh hưởng tới thiên hà trong vòng hàng tỉ năm. Sự hình thành sao là một trong những quá trình cơ bản nhất. Tỉ lệ sinh sao có thể tăng lên khi các thiên hà va chạm hoặc tương tác, và các thiên hà có thể ngừng hình thành sao mới nếu khí (chủ yếu là hydro) tạo ra các sao bị mất đi.

Lịch sử hình thành sao có thể vẽ nên một hồ sơ phong phú về điều kiện môi trường khi một thiên hà "lớn lên". Các thiên hà lùn là loại thiên hà phổ biến nhất nhưng ít loại thiên hà cỡ lớn nhất trong vũ trụ đồng thời đặc biệt nhạy cảm với các tác động của môi trường xung quanh.

36 thiên hà lùn bùng nổ sao mới đồng thời có vị trí trải dài ở các môi trường ở khoảng cách xa tới 13 triệu năm ánh sáng từ Dải Ngân hà. Sự thay đổi môi trường mà các thiên hà rõ ràng có phản ứng phải là thứ gì đó phân phối nhiên liệu cho các thiên hà vốn ở rất xa nhau. Theo nhà nghiên cứu Olsen, điều đó có thể là có một đám mây khí khổng lồ hoặc một hiện tượng trong vũ trụ mà chúng ta chưa biết đến.

Các nhà khoa học đã sử dụng hai phương pháp để so sánh lịch sử hình thành sao. Một phương pháp sử dụng ánh sáng từ các ngôi sao riêng lẻ trong các thiên hà. Phương pháp còn lại dùng ánh sáng của cả thiên hà.

“Tác động đầy đủ của khám phá vẫn chưa được biết rõ vì vẫn còn phải xem các mô hình phát triển hiện tại của thiên hà cần được sửa đổi như thế nào để hiểu được điều bất ngờ này" - Gawiser nói.

"Kính viễn vọng không gian James Webb, dự kiến ​​được NASA phóng vào tháng 10 này, sẽ là cách lý tưởng để bổ sung dữ liệu mới để tìm hiểu xem "bùng nổ trẻ sơ sinh" này đã trải dài bao xa" - nhà nghiên cứu Olsen nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn