MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Đập được xây dựng từ năm 1994 nhưng đến ngày 1.6.2003 mới bắt đầu chứa nước. Ảnh: Tân Hoa Xã

5 bí mật ít biết về đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử

Khánh Minh LDO | 01/07/2020 10:43

Đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới nằm trên sông Dương Tử (hay còn gọi là sông Trường Giang) của Trung Quốc, còn có những bí mật ít người biết.

Đập Tam Hiệp xả lũ ngày 29.6.2020. Nguồn: CGTN

Tờ Chinaguide "bật mí" 5 điều ít biết này.

1. Có 2 đập trên sông Dương Tử

Khi nói đến đập trên sông Dương Tử, gần như tất cả đều nghĩ tới đập Tam Hiệp. Tuy nhiên, có một con đập khác trên dòng sông dài nhất Châu Á và dài thứ 3 thế giới là đập Cát Châu Bá (Gezhouba). Cả 2 con đập đều nằm ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. 

Đập Cát Châu Bá nằm ở vùng hạ lưu của đập Tam Hiệp, cách khoảng 38 km. Đập Cát Châu Bá được hoàn thành vào năm 1988 và đập Tam Hiệp được đưa vào hoạt động năm 2006. Đập Tam Hiệp trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, và đập Cát Châu Bá lớn thứ hai ở Trung Quốc.

2. Đập Tam Hiệp có thể tạo ra bao nhiêu điện? 100 tỉ kWh mỗi năm!

Đập Tam Hiệp là đập trọng lực bê tông lớn nhất, cũng là một dự án kiểm soát nước lớn nhất trên toàn thế giới cho đến nay. Tổng công suất lắp đặt của nó là 22,5 triệu kWh, và công suất phát hàng năm có thể đạt hơn 100 tỉ kWh, chủ yếu được chuyển đến các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam, Hồ Nam, Giang Tây, Trùng Khánh, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy và Quảng Đông. Với mức giá điện lưới 0,25 nhân dân tệ/kWh, doanh thu của đập Tam Hiệp từ sản xuất điện sẽ là hơn 25 tỉ nhân dân tệ (3,6 tỉ USD) mỗi năm.

Đập Itaipu - đập thủy điện lớn thứ hai trên thế giới, trên sông Paraná nằm ở biên giới giữa Brazil và Paraguay - có tổng công suất lắp đặt là 14 triệu Kwh và công suất hàng năm là 90 tỉ Kwh. So sánh với "á quân" Itaipu, đập Tam Hiệp vượt xa.

Đập Tam Hiệp xả lũ ngày 29.6.2020, do mực nước đã lên đến 147,51 mét, vượt ngưỡng cảnh báo lũ hơn 2 mét. Nguồn: CGTN

3. Đập Tam Hiệp kiểm soát lũ cỡ nào?

Đập Tam Hiệp có sức chứa 22,15 tỉ mét khối và dung tích nước tối đa 39,3 tỉ mét khối. Với những trận lũ thông thường, đập Tam Hiệp có thể kiểm soát hoàn toàn. Trong trường hợp lũ lớn, các biện pháp ngăn lũ và trữ lũ sẽ được thực hiện để giảm lũ. 

Tuy nhiên, khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp và các hồ chứa trong lưu vực sông Dương Tử chưa đến 20% lưu lượng nước hàng năm của sông. Nếu một trận lụt nghìn năm có một xảy ra, phần chính của đập Tam Hiệp sẽ không bị phá hủy, nhưng chức năng của nó sẽ bị ảnh hưởng.

Gần đây có thông tin về nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp sau các trận mưa lớn và lũ lụt kéo dài suốt 1 tháng qua ở Trung Quốc.

4. Đập Tam Hiệp có đủ mạnh không?

Đập Tam Hiệp giống như một pháo đài sắt. Nó được xây dựng bằng 27 triệu tấn bê tông, và 463.000 tấn thép. Ngoài ra, đập Tam Hiệp là đập trọng lực bê tông và mỗi phần của đập có thể đảm bảo sự ổn định của nó tùy thuộc vào trọng lực của đập. Ngay cả khi một phần bị hư hại, toàn bộ con đập sẽ không sụp đổ, và nó có thể được sửa chữa trực tiếp. Vũ khí thông thường không thể làm gì với đập Tam Hiệp, trừ khi vũ khí hạt nhân được sử dụng.

Đập Tam Hiệp xả lũ ngày 29.6.2020. Nguồn: CGTN

5. Sự thật về quái vật nước trong đập Tam Hiệp

Năm 2019, thông tin đồn thổi về quái vật nước trên đập Tam Hiệp đã được lan truyền rộng rãi trên mạng. Ban đầu, một người nào đó đã quay video quái vật nước ở khu vực đập Tam Hiệp và chia sẻ nó lên mạng, khiến nhiều người xôn xao. Trong video, một sinh vật to lớn màu đen đang vặn mình trong nước. Một số người nghĩ rằng nó là một con rắn nước khổng lồ, trong khi những người khác đoán nó là một lượng lớn rác. 

Sau đó, "quái vật nước" đã được chứng minh không nằm trong khu vực đập Tam Hiệp, mà là ở tỉnh An Huy. Và cuối cùng, "quái vật nước" hóa ra là một quả bóng cao su dài 20 mét. Do đó, không có quái vật nước trong đập Tam Hiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn