MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bão Laura năm 2020, bên trái là ảnh sáng hồng ngoại từ vệ tinh NOAA-20, bên phải là ảnh màu tự nhiên do vệ tinh Terra chụp. Ảnh: NASA

5 điều NASA làm với những cơn bão

Thanh Hà LDO | 02/06/2021 11:03
Mùa bão Đại Tây Dương năm 2021 bắt đầu từ 1.6. Các chuyên gia thời tiết dự báo một mùa bão mạnh, với số lượng cơn bão được đặt tên cao hơn mức trung bình.

NASA đang phát triển công nghệ và sứ mệnh mới để nghiên cứu sự hình thành, tác động của bão, bao gồm cách hiểu Trái đất như một hệ thống. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ tiết lộ 5 thông tin về bão liên quan tới cơ quan này.

1. Quan sát bão từ không gian

NASA và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) có các sứ mệnh vệ tinh chung theo dõi bão bằng màu sắc tự nhiên và các bước sóng ánh sáng khác.

Ví dụ, hình ảnh bão chụp bằng tia hồng ngoại có thể hiển thị nhiệt độ của mây, cũng như cho phép các nhà khoa học theo dõi sự di chuyển của bão vào ban đêm.

2. Vệ tinh có thể nhìn thấy bên trong bão ở định dạng 3D

Các thiết bị radar và vi sóng của sứ mệnh Đo lường Lượng mưa Toàn cầu của NASA có thể nhìn xuyên qua các đám mây bão để xem cấu trúc lượng mưa của cơn bão và đo lường tổng lượng mưa rơi xuống do cơn bão.

This browser does not support the video element.

Hình ảnh 3D bên trong cơn bão Maria. Nguồn: NASA

Thông tin này giúp các nhà khoa học hiểu được cơn bão có thể thay đổi như thế nào theo thời gian và hiểu được nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng.

3. Tìm hiểu biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến bão

Biến đổi khí hậu có thể khiến các cơn bão hoạt động khác biệt. Một thay đổi dễ thấy là cách bão mạnh lên: Nhiều cơn bão đang tăng cấp một cách nhanh chóng, trong đó tốc độ gió bão tăng tới 56km/h hoặc hơn chỉ trong vòng 24 giờ.

Năm 2020, 9 cơn bão kỷ lục mạnh lên nhanh chóng. Những thay đổi nhanh chóng về cường độ bão có thể khiến các khu vực dân cư trên đường đi của bão không có đủ thời gian để sẵn sàng ứng phó.

Các nhà nghiên cứu tại NASA JPL đã phát triển một mô hình học máy có thể phát hiện chính xác hơn các cơn bão đang mạnh lên nhanh chóng.

Bão Dorian năm 2019 chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: NASA

NASA cũng không dừng lại ở việc chỉ nghiên cứu về mức độ mạnh lên của các cơn bão. Các nhà khoa học của cơ quan vũ trụ Mỹ cũng đang xem xét cách thức biến đổi khí hậu có thể khiến các cơn bão di chuyển chậm hơn do đó mang sức hủy diệt lớn hơn.

Những cơn bão "sụt tốc" kiểu này có thể di chuyển chỉ vài km một giờ, gây mưa lớn, gió mạnh tại một địa điểm trong một khoảng thời gian. Ví dụ, cơn bão Dorian giảm tốc ở Grand Bahama và gây thiệt hại thảm khốc khi đi qua. Bão Harvey và Florence cũng bị giảm tốc và đều gây ra lũ lụt lớn.

5. Theo dõi thiệt hại do bão

Bão Maria đã định hình lại các khu rừng của Puerto Rico. Cơn bão đã phá hủy nhiều cây lớn đến nỗi chiều cao tổng thể của các khu rừng trên đảo bị rút ngắn đi 1/3. Các phép đo từ mặt đất, trên không và từ không gian vũ trụ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về loại cây nào dễ bị gió tác động hơn.

Nhiều tháng sau bão Maria, các khu vực của Puerto Rico vẫn chưa có điện. Sử dụng dữ liệu vệ tinh, các nhà nghiên cứu của NASA đã lập bản đồ khu vực lân cận nào vẫn mất điện và phân tích nhân khẩu học cũng như các thuộc tính vật lý của các khu vực có thời gian chờ cấp điện lâu nhất.

5. Hỗ trợ ứng phó bão và hậu quả của bão

Dữ liệu mà NASA thu thập được cung cấp miễn phí cho công chúng. NASA cũng hợp tác với các cơ quan liên bang khác, như Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) và các chính quyền địa phương, khu vực để giúp chuẩn bị và hiểu được tác động của các thảm họa như bão.

Ba cơn bão Katia, Irma và Jose năm 2017. Ảnh: NASA

Năm 2020, Chương trình Thảm họa của NASA đã cung cấp dữ liệu cho các khu dân cư ở Alabama, Louisiana và Trung Mỹ để xác định các khu vực bị ảnh hưởng đáng kể do bão. Điều này giúp xác định các cộng đồng dễ bị tổn thương và đưa ra quyết định sáng suốt về nơi phân bổ nguồn lực khắc phục hậu quả của bão.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn