MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Máy bay ném bom chiến lược của Nga trong lễ diễu binh trên không kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít. Ảnh: RT.

75 năm kết thúc Thế chiến 2: Những bài học còn nguyên giá trị

Khánh Minh LDO | 09/05/2020 21:07

75 năm trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ngày 9.5.1945, khi đại diện Đức quốc xã ký thoả thuận chấp nhận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh kết thúc Thế chiến 2, thế giới vẫn còn đó những dư âm và bài học còn nguyên giá trị.

Dư âm

22h43 ngày 8.5.1945 theo giờ Berlin (tức 0h43 ngày 9.5 theo giờ Mátxcơva), tại một trường quân sự cũ ở Karlshorst gần Berlin, trước sự chứng kiến của đại diện các cường quốc đồng minh, các đại diện toàn quyền được uỷ nhiệm của Đức quốc xã ký vào biên bản xác nhận đầu hàng vô điều kiện. Ngày này cũng đồng thời là Ngày Chiến thắng của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).

Tổng kết cuộc Chiến tranh Thế giới 2, ước tính tổng cộng 70-85 triệu người trên khắp thế giới đã thiệt mạng vì tội cố ý diệt chủng, vì bị tàn sát, bị đánh bom hàng loạt, bị bệnh tật và chết đói. Trong số này đau thương nhất có thể kể đến là vụ Trân Châu Cảng, vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nagasaki, và Đức Quốc xã sát hại một cách có hệ thống 11 triệu người Do Thái.

Trong khi Thế chiến 2 bao trùm hầu hết các châu lục, liên quan đến hơn 70 nước, thì Liên Xô vẫn là nước chịu thiệt hại nhiều nhất về người và của. Để đi đến ngày Chiến thắng 9.5, hơn 27 triệu người Liên Xô (chủ yếu là người Nga) đã thiệt mạng, trong đó có gần 9 triệu chiến sĩ Hồng quân...

Tuy nhiên, thắng lợi chói lọi của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tiếp thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều nước đang chịu ách áp bức xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latin, đưa thế giới chuyển sang thời kỳ mới.

Trong một nghị quyết cuối năm 2004, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã gọi ngày này là Ngày Tưởng niệm và Hòa giải. Không chỉ với ý nghĩa là Ngày Chiến thắng, các ngày 8 và 9.5 còn được coi là Ngày Tưởng niệm và Ngày Hoà giải để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và để thực hiện sự hoà giải giữa các dân tộc.

Bài học

Chiến tranh thế giới thứ 2 đem đến những bài học còn nguyên giá trị, đó là chiến tranh phải được tránh bằng mọi giá, các nền dân chủ phải chống lại sự xâm lược, và các quốc gia cần phải kiềm chế trong khi tìm kiếm lợi ích mà không phải sử dụng vũ lực.

Thật vậy, Thế chiến 2 với tổn thất thương vong lớn về nhân mạng luôn nhắc nhở thế giới ngày nay cần phải trân trọng và giữ gìn nền hòa bình thế giới để không tái diễn thảm họa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây nói rằng những bài học về cuộc chiến vẫn còn giá trị và Nga đã và sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ hoà bình, đất nước.

Mặc dù từ Thế chiến 2 tới nay, thế giới không có bất kỳ cuộc xung đột cục bộ nào giữa các cường quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là chiến tranh đã lùi xa. Các cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, nội chiến, đụng độ quân sự ngắn hạn chỗ âm ỉ, chỗ ác liệt, xung đột về mặt lợi ích có thể đẩy thế giới vào hỗn loạn một lần nữa.

Nhà sử học Mỹ James J.Sheehan, giáo sư Đại học Stanford, tác giả cuốn “Where Have All the Soldiers Gone: The Transformation of Mordern Europe” (Tạm dịch: Những người lính đã đi đâu - Sự biến đổi của Châu Âu hiện đại) cảnh báo rằng, không nên coi kết thúc chiến tranh là điều hiển nhiên, và cần tiếp tục duy trì nền hoà bình đó. Việc thiết lập hoà bình, như sử gia Anh Michael Howard đã viết, “là nhiệm vụ hàng ngày của mỗi chúng ta… và không có công thức, không có tổ chức và không có cuộc cách mạng chính trị nào có thể giải phóng con người khỏi nhiệm vụ không thể lay chuyển này. Chiến tranh thế giới thứ 2 nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ này cần thiết như thế nào”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn