MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ sở khai thác dầu khí ở Texas, Mỹ. Ảnh: Xinhua

8 năm Mỹ vươn lên thành nhà cung cấp khí đốt số 1 thế giới

Thanh Hà LDO | 05/02/2024 15:11

Chỉ trong 8 năm, Mỹ đã vượt lên từ nước hầu như không xuất khẩu khí đốt để trở thành nhà cung cấp số 1 thế giới. Vị thế mới mang lại lợi nhuận cho các hãng dầu khí và củng cố ảnh hưởng của Mỹ ở nước ngoài.

Tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ tạm dừng quá trình cấp phép cho các cơ sở mới về xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để nghiên cứu tác động của chúng với biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia và kinh tế.

Ngay cả khi tạm dừng, Mỹ vẫn đang trên đà tăng gần gấp đôi công suất xuất khẩu vào năm 2027 nhờ các dự án đã được cấp phép và đang xây dựng.

Theo New York Times, sự bùng nổ của xuất khẩu khí đốt Mỹ ban đầu khiến nhiều nhà hoạch định chính sách ngạc nhiên. Vào đầu những năm 2000, khí đốt tương đối khan hiếm trong nước và các công ty đã chi hàng tỉ USD để xây dựng các kho cảng nhập khí đốt từ những nguồn cung lớn trên thế giới như Qatar, Australia.

Mỹ vươn lên nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu. Ảnh chụp màn hình New York Times

Kỹ thuật fracking - chiết xuất khí thiên nhiên từ sâu trong lòng đất - đã thay đổi tất cả. Vào giữa những năm 2000, các thợ khoan ở Mỹ đã hoàn thiện phương pháp để khai thác lượng lớn trữ lượng khí đốt tự nhiên giá rẻ từ đá phiến.

Đồng thời, giá khí đốt bắt đầu tăng vọt ở nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản sau vụ nổ lò phản ứng Fukushima năm 2011 khiến các nhà máy hạt nhân ở nước này đóng cửa và nhu cầu nhiên liệu tăng lên.

Thực trạng này khiến các công ty của Mỹ, đứng đầu là Cheniere Energy, bắt đầu chi thêm hàng tỉ USD để chuyển các kho cảng thành các trạm nhập khẩu, vận chuyển khí đốt của Mỹ sang các quốc gia khác bắt đầu tăng lên.

Khí đốt được vận chuyển dễ dàng nhất bằng đường ống. Để vận chuyển qua đại dương, khí đốt phải được làm lạnh để chuyển thành chất lỏng. Quá trình sản xuất và vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng làm tăng thêm độ phức tạp và chi phí, nhưng nếu chênh lệch giữa giá khí đốt ở Mỹ và ở nước ngoài đủ lớn thì sẽ mang lại lợi nhuận.

Kenneth Medlock - Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng tại Đại học Rice - cho biết: “Nó liên quan đến vấn đề kinh tế. Sản xuất tiếp tục tăng ở Mỹ khiến giá luôn ở mức thấp. Sau đó, chúng ta tiếp tục chứng kiến ​ tăng trưởng nhu cầu lớn ở những nơi khác trên thế giới".

Cũng theo New York Times, bùng nổ xuất khẩu làm thay đổi vai trò của Mỹ trong địa chính trị năng lượng.

Châu Âu trở thành nhà nhập khẩu khí đốt của Mỹ lớn nhất trong những năm gần đây, qua đó giảm hơn một nửa sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga sau khi xung đột ở Ukraina nổ ra năm 2022.

Trong tương lai, châu Âu dự kiến hạn chế nhu cầu khí đốt bằng cách bổ sung thêm nhiều nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Các thị trường tăng trưởng chính của khí đốt dự kiến ​là các nước châu Á đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Việt Nam. Những thị trường này muốn sử dụng khí đốt cho mục đích sản xuất điện, sưởi ấm hoặc công nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn