MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ADB dự báo kinh tế Châu Á tăng trưởng vững chắc

Thanh Hà LDO | 07/04/2022 11:23

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định ngày 6.4, tăng trưởng ở Châu Á duy trì mạnh mẽ tới năm 2023 khi hầu hết các quốc gia trong khu vực nới lỏng hạn chế ngừa COVID-19 để bước sang phục hồi sau đại dịch. Một ngày trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm 2022 do tác động kinh tế của chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina. 

Kinh tế tiếp tục phục hồi

Trong triển vọng hằng năm, ADB dự báo GDP trên toàn Châu Á sẽ đạt 5,2% trong năm nay và 5,3% vào năm 2023 sau khi ghi nhận mức 6,9% trong năm ngoái. "Khả năng miễn dịch được tăng cường và các tác động sức khỏe ít nghiêm trọng hơn của biến thể Omicron đang cho phép các nền kinh tế duy trì trạng thái mở và hoạt động tốt hơn so với các đợt bùng phát trước đó" - Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa nêu trong báo cáo. 

Tuy nhiên, Chủ tịch ADB chỉ ra, vẫn có một số điều cần lưu ý. Đại dịch chưa qua và chiến dịch quân sự Nga phát động ở Ukraina đang làm chao đảo các thị trường hàng hóa. Thêm vào đó, việc siết chặt tiền tệ ở Mỹ cũng có thể dẫn đến bất ổn tài chính toàn cầu. 

"Tăng trưởng sẽ vẫn không đồng đều. Nam Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng sẽ cải thiện ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, bình thường hóa ở Đông Á và chậm lại ở Caucasus và Trung Á do vấn đề Ukraina" - nhà kinh tế trưởng của ADB Albert Park chia sẻ với báo giới. 

Đông Nam Á dự kiến tăng trưởng 4,9% trong năm nay, từ 2,9% năm ngoái và 5,2% vào năm sau khi khu vực hướng tới "sống chung với COVID-19" và mở cửa biên giới hơn nữa. Tăng trưởng ở Nam Á sẽ vẫn mạnh mẽ, mặc dù chậm hơn nhiều so với mức 8,3% của năm ngoái. Cụ thể, tăng trưởng ở Nam Á ở mức 7% trong năm nay và 7,4% vào năm 2023. Đông Á, nơi đang ghi nhận các đợt bùng phát biến thể Omicron, sẽ giảm từ mức tăng trưởng 7,6% của năm ngoái xuống 4,7% vào năm 2022 và 4,5% vào năm 2023. 

"Rõ ràng, mọi thứ đang rất không chắc chắn. Nếu virus lây lan đến nhiều thành phố của Trung Quốc và chính phủ duy trì chính sách zero-COVID có thể rất ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế ở Trung Quốc, vốn sẽ lan rộng khắp khu vực" - ông Albert Park lưu ý. Nhà kinh tế trưởng của ADB lưu ý, bên cạnh đó, còn có mối đe dọa ngày càng tăng về các biến thể mới đột ngột xuất hiện. 

Trong khi đó, chiến sự Ukraina làm giá thực phẩm và năng lượng tăng, dù mức độ tác động trực tiếp không lớn với hầu khắp Châu Á, ngoại trừ Caucasus và Trung Á, theo báo cáo của ngân hàng trụ sở tại Manila, Philippines. Tuy nhiên, nếu xung đột kéo dài và leo thang có thể là một tác nhân gây bất ổn kinh tế nghiêm trọng cho khu vực. “Dự báo hiện tại của chúng tôi về xung đột Nga-Ukraina giả định rằng chiến sự sẽ không tiếp diễn trong năm nay, do đó giá dầu cuối cùng sẽ ở mức vừa phải" - ông Albert Park nói. 

Theo chuyên gia ADB, các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt thực sự đã ảnh hưởng tới việc Nga bán dầu và khí đốt và "điều đó rõ ràng sẽ dẫn đến việc giá dầu còn tăng". "(Giá cả) về cơ bản có thể tăng lên khá nhiều và điều đó sẽ chỉ gây thêm sức ép lên các nước nhập khẩu dầu trong khu vực" - ông nói. Những điều đó có thể dẫn đến loạt sức ép lạm phát và gián đoạn nguồn cung.

WB hạ dự báo tăng trưởng Đông Á

Ngày 5.4, Ngân hàng Thế giới dự báo ​​tăng trưởng năm 2022 ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, sẽ tăng 5,0%, thấp hơn mức dự báo 5,4% vào tháng 10.2021. 

Tổ chức cho vay có trụ sở tại Washington lưu ý, tăng trưởng có thể chậm lại còn 4,0% nếu tình hình chiến sự Ukraina theo chiều hướng xấu đi và phản ứng chính sách của chính phủ yếu hơn. Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến ​​tăng trưởng 5,0% trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 5,4%.

Nhà kinh tế trưởng Aaditya Mattoo của Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Khu vực đang đối mặt với một bộ ba cú sốc có nguy cơ làm suy giảm động lực tăng trưởng". Xung đột Nga-Ukraina được ông Mattoo cho là "rủi ro nghiêm trọng nhất" với triển vọng tăng trưởng của khu vực. Chiến sự đang dẫn đến việc tăng giá thực phẩm và nhiên liệu, biến động tài chính và giảm lòng tin trên toàn thế giới. Ông chỉ ra, tác động của chiến sự Nga-Ukraina đáng lo ngại hơn trong bối cảnh khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn đang đối mặt với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giảm sản xuất ở Trung Quốc và lạm phát nhanh hơn có thể khiến Mỹ đẩy nhanh siết chặt tiền tệ. 

Tác động của chiến sự Ukraina với các nền kinh tế ở Đông Á và Thái Bình Dương sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc và khả năng phục hồi của từng nền kinh tế - ông Mattoo nói. Ngoại trừ Trung Quốc, sản lượng của các nước còn lại trong khu vực dự kiến ​​tăng 4,8% trong năm nay.

"Chiến sự ở Ukraina đang đè nặng lên đà tăng trưởng. Các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ và chính sách hợp lý của khu vực sẽ giúp vượt qua những cơn bão này" - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Manuela Ferro nhận định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn