MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ai Cập khai quật hàng chục quan tài cổ đại: Có lo ngại lời nguyền Pharaoh?

Ngọc Vân LDO | 11/10/2020 17:49
Hàng chục xác ướp Ai Cập nguyên vẹn vẫn được khai quật bất chấp nỗi sợ "lời nguyền của Pharaoh".

Các nhân viên mặc áo khoác trắng cẩn thận chèn những thanh gỗ nhỏ ở đường ngăn cách phần trên với phần còn lại của quan tài Ai Cập cổ đại. Sau đó, họ từ từ nhấc nó lên, để lộ một xác ướp Ai Cập được bảo quản hoàn hảo. Các chức sắc tham dự sững sờ phấn khích. Máy ảnh của cánh báo chí đồng loạt chớp liên hồi.

Xác ướp Ai Cập còn nguyên vẹn trong quan tài cổ 2.500 tuổi được mở hôm 3.10. Ảnh: AP

Đó là quang cảnh diễn ra vào tuần trước, khi Ai Cập chia sẻ phát hiện khảo cổ học mới nhất của mình với thế giới, tổ chức một buổi lễ được dàn dựng công phu ngay phía nam Cairo, nơi 59 quan tài có niên đại 2.500 năm được khai quật gần kim tự tháp bậc thang nổi tiếng Saqqara.

Báo chí đưa tin về sự kiện này một cách đầy mê hoặc, với video clip ghi lại khoảnh khắc mở quan tài xác ướp nguyên vẹn 2.500 năm lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Theo tờ The National, đối với hàng triệu người trên khắp thế giới, đó là một khoảnh khắc cảm thấy dễ chịu hiếm hoi trong một năm đặc biệt nghiệt ngã.

Xác ướp Ai Cập được mở hôm 3.10. Ảnh: EPA

Tuy nhiên, đối với những người tin vào sức mạnh siêu nhiên và lời nguyền xác ướp Ai Cập, việc khải quật quan tài cổ là một hành động đáng ngại có thể bồi thêm thảm hoạ cho năm 2020, khi thế giới bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.

Đối với nhóm người này, những lời của nhà Ai Cập học hàng đầu, người dẫn đầu cuộc khai quật, chắc hẳn khiến họ lạnh sống lưng.

“Chúng tôi sẽ không ngừng khai quật. Chúng tôi sẽ tiếp tục và chúng tôi sẽ tìm thấy một thứ rất đặc biệt trong thời gian rất sớm” - Mustafa Al Waziri, nhà khảo cổ học hàng đầu của Ai Cập, cho biết tại buổi lễ ở Saqqara vào ngày 3.10.

59 quan tài gỗ 2.500 năm tuổi với xác ướp Ai Cập còn nguyên vẹn đã được các nhà khảo cổ công bố hôm 3.10. Ảnh: AFP

"Tuyệt quá! Đó là tất cả nhu cầu của năm 2020? Họ cho Vua bọ cạp ăn. Không thể chờ đợi để bị ném đá và chết trong khi COVID-19 bóp nghẹt phổi của tôi” - một trong số hàng trăm tweet than thở về việc khai quật và mở quan tài xác ướp.

"Vua bọ cạp" ám chỉ đến phim bom tấn kinh dị The Mummy năm 1999, là phiên bản làm lại của bộ phim cùng tên năm 1932.

Một tweet khác lặp lại một cảm xúc tương tự. “Tất cả chúng ta đều bị nguyền rủa. Làm tốt lắm, nhân văn. Đó là cách để làm cho năm 2020 thậm chí còn tồi tệ hơn”.

Lời nguyền của Pharaoh

Từ lâu nay, nhiều người vẫn bị ám ảnh bởi lời nguyền của các Pharaoh, tin rằng bất kỳ ai xâm phạm lăng mộ của người Ai cập cổ đại, nhất là lăng mộ của các vị vua Ai Cập, các Pharaoh, thì sẽ chịu một lời nguyền. Lời nguyền này, không loại trừ ai, sẽ đem đến bất hạnh cho người xâm phạm, có thể là rủi ro, ốm hoặc chết.

Lời nguyền Tutankhamun hay lời nguyền xác ướp bắt đầu lan truyền sau khi một loạt sự kiện khủng khiếp xảy ra sau khi hầm mộ của vua Tutankhamun được khám phá. Truyền thuyết nói rằng bất kỳ ai dám mở hầm mộ sẽ phải hứng chịu sự tức giận tột bực của xác ướp.

Một vài tháng sau khi hầm mộ được mở, thảm kịch bắt đầu giáng xuống.

Huân tước Carnarvon, 57 tuổi, người tài trợ cho cuộc khai quật hầm mộ KV62 đã ốm nặng và mau chóng phải tới Cairo. Ông đã qua đời vài ngày sau đó.

Nguyên nhân chính xác của cái chết vẫn chưa rõ nhưng dường như là ông bị nhiễm trùng do côn trùng cắn.

Theo truyền thuyết, khi huân tước chết, toàn thành phố Cairo mất điện. Sau này, con trai huân tước - lúc đó đang ở Anh nói, con chó yêu của huân tước đã tru lên và cũng chết đột ngột.

Howard Carter cùng George Herbert, huân tước thứ năm của Carnarvon phát hiện ra lăng mộ gần như còn nguyên vẹn của Tutankhamun vào năm 1922. Ảnh: Getty

Lạ lùng hơn nữa, khi xác ướp của vua Tutankhamun được mở ra năm 1925, người ta tìm thấy một vết thương trên má trái của xác ướp, đúng vị trí mà côn trùng cắn lên má Carnarvon, vết cắn khiến vị huân tước này thiệt mạng.

Năm 1929, 11 người liên quan tới việc khai phá hầm mộ chết sớm vì những nguyên nhân quái dị. Trong thập kỷ đầu tiên sau khi lăng mộ được khai quật, 26 người trong đoàn đã chết vì những nguyên nhân bí mật.

Từ giữa thế kỷ 20, nhiều học giả và tài liệu cho rằng lời nguyền là có thật trên khía cạnh là ai xâm phạm lăng mộ sẽ bị các loại vi khuẩn, hóa chất độc hại tấn công.

Chính người Ai Cập cổ đại đã nuôi dưỡng huyền thoại về lời nguyền. Các dòng chữ tượng hình trên tường của nhiều ngôi mộ cảnh báo rằng bất cứ ai làm phiền giấc ngủ của các Pharaoh sẽ phải chết.

Ahmed Mostafa, một hướng dẫn viên người Ai Cập với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho biết: “Hầu hết khách du lịch nước ngoài đều nói về lời nguyền của Pharaoh. Một số nói về nó một cách đùa cợt, trong khi những người khác thực sự tin vào lời nguyền”.

Theo tín ngưỡng của các Pharaoh, ý tưởng đằng sau quá trình ướp xác là bảo quản thi thể của người chết để hồn của người đó trở về với xác ở “thế giới bên kia”.

“Trong nhiều năm, khách du lịch đã nói chuyện và hỏi tôi những câu hỏi về lời nguyền của các Pharaoh, nhưng không ai đặt câu hỏi liệu chúng tôi có nên khai quật các đồ tạo tác của Pharaon hay không” - một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu khác cho biết.

Bỏ qua lời nguyền của các Pharaoh, khám phá ở Saqqara là phát hiện mới nhất trong một loạt các phát hiện khảo cổ học "gây sốc và sửng sốt“ được Ai Cập công bố trong vài năm qua. Dường như thời điểm công bố những phát hiện này được tính toán cẩn thận thời để tạo và duy trì sự quan tâm đến kho báu Ai Cập cổ đại nhằm thu hút nhiều du khách hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn