MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dấu vết một trong những ngôi đền mặt trời của pharaoh Ai Cập. Ảnh chụp màn hình Telegraph

Ai Cập khám phá sửng sốt nhất 50 năm: Khai quật ngôi đền mất tích của pharaoh

Khánh Minh LDO | 14/11/2021 15:48
Các nhà khảo cổ Ai Cập đã có một trong những khám phá sửng sốt nhất trong 50 năm sau khi khai quật một ngôi đền mặt trời đã mất của pharaoh Ai Cập.

Người ta cho rằng, các pharaoh Ai Cập của triều đại thứ năm dựng lên sáu ngôi đền mặt trời để bổ sung cho các kim tự tháp.

Các kim tự tháp rộng lớn được các pharaoh xây dựng để làm nơi an nghỉ cuối cùng và để đảm bảo họ trở thành một vị thần ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, các ngôi đền mặt trời đã tiến xa hơn một bước nhằm biến pharaoh trở thành một vị thần khi vẫn còn sống.

Trong khi các chuyên gia tin rằng, sáu ngôi đền mặt trời được các pharaoh khác nhau xây dựng, chỉ có hai ngôi đền từng được các nhà khảo cổ học hiện đại tìm thấy.

Tiến sĩ Massimiliano Nuzzolo, Phó giáo sư Ai Cập học tại Học viện Khoa học ở Warsaw, Ba Lan, đã dành cả sự nghiệp của mình để cố gắng khám phá những ngôi đền còn lại.

Tiến sĩ Massimiliano Nuzzolo dành cả sự nghiệp để tìm kiếm những ngôi đền mặt trời đã mất. Ảnh chụp màn hình Telegraph

Tờ Telegraph dẫn lời tiến sĩ Nuzzolo nói: “Mỗi vị vua Ai Cập đều muốn có một kim tự tháp để phục sinh nhưng điều này là chưa đủ đối với các vị vua thuộc triều đại thứ năm. Họ muốn một thứ gì đó hơn thế nữa. Nhà vua đã xây dựng một ngôi đền mặt trời để biến mình thành một vị thần - Thần mặt trời”.

Thần mặt trời Ra là vị thần quyền năng nhất ở Ai Cập cổ đại. Mỗi ngôi đền mặt trời có một sân lớn bao gồm tháp cao, giống như kim tự tháp, đặt song song với trục đông-tây của mặt trời. Công trình này được thiết kế sao cho vào ngày hạ chí, mặt trời mọc và chiếu ánh sáng qua lối vào của đền thờ và phủ ánh sáng lên tháp vào lúc rạng đông. Đến chiều tối, mặt trời lặn ở phía đối diện chính xác của ngôi đền.

Tiến sĩ Nuzzolo tập trung nghiên cứu một trong những ngôi đền mặt trời đã được biết đến, được vua Nyuserre xây dựng ở Abu Goab. Vua Nyuserre trị vì Ai Cập khoảng 30 năm vào thế kỷ 25 trước Công nguyên.

Trong quá trình khai quật cẩn thận bên dưới những mảnh vỡ còn sót lại của ngôi đền, tiến sĩ Nuzzolo phát hiện một cấu trúc nền cổ hơn được làm bằng gạch bùn, cho thấy có một công trình đã tồn tại trước đây tại địa điểm này.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nuzzolo và các đồng nghiệp, bao gồm cả tiến sĩ Mohamed Osman, không có bằng chứng về việc cấu trúc này là gì hoặc nó có linh thiêng hay không.

Theo tiến sĩ Nuzzolo, sau quá trình khai quật cẩn thận hơn nữa đã làm lộ ra phần chân cột bằng đá vôi trắng sâu khoảng 60cm, có nghĩa là công trình đầu tiên được xây dựng tại địa điểm này là “khá ấn tượng”.

Đền mặt trời trong hình dung của các hoạ sĩ. Ảnh chụp màn hình Telegraph

Những khám phá tiếp theo đã cho phép các nhà nghiên cứu thu thập xong chứng cứ, hoàn thành bộ ghép hình và chắc chắn rằng đây là một ngôi đền mặt trời, ngôi đền thứ ba được tìm thấy và cũng là ngôi đền mặt trời lần đầu tiên được phát hiện sau nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, người xây dựng và là chủ nhân của ngôi đền mặt trời vẫn chưa được biết đến, nhưng có khả năng là một trong những người cai trị triều đại thứ năm bí ẩn.

Các đền thờ mặt trời chỉ được một vài pharaoh xây dựng. Pharaoh Khufu là vị vua Ai Cập cuối cùng thực sự được hưởng lợi từ trận lũ lụt hàng năm của sông Nile, nơi cung cấp đất đai màu mỡ và năng suất cây trồng dồi dào, đồng nghĩa với việc thu nhập từ thuế rất dồi dào.

Tuy nhiên, thời hậu Khufu, hạn hán đã bao trùm phần lớn Ai Cập, khiến thu nhập từ thuế của triều đình giảm mạnh và khiến những người trị vì sau này gặp khó khăn về tài chính so với các vị vua trước.

Do đó, các kim tự tháp sau này là cái bóng của các phiên bản trước, và các ngôi đền mặt trời là một cách tiết kiệm chi phí để đảm bảo các pharaoh giữ được quyền lực của họ và vẫn được người dân tôn thờ bất chấp những khó khăn ngày càng tăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn