MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại lộ Nhân sư và lối vào đền Amun, Luxor, Thebes cổ đại, Ai Cập. Ảnh: AFP/Getty

Ai Cập mở đại lộ Nhân sư 3.000 năm tuổi sau 7 thập kỷ khai quật

Thanh Hà LDO | 24/11/2021 10:11
Ai Cập mở đại lộ Nhân sư 3.000 năm tuổi ở thành phố cổ Thebes trong buổi lễ kỷ niệm hoành tráng. 

Hơn 7 thập kỷ khai quật

Đại lộ Nhân sư Ai Cập đã được phát hiện nhiều thập kỷ ở thành cổ Thebes. Các nhà khảo cổ học Ai Cập đã nỗ lực không ngừng để khai quật trong hơn 7 thập kỷ qua. Con đường đi bộ cổ gần 3km ở phía nam thành phố Luxor, Ai Cập cuối cùng sẽ mở cửa cho công chúng trong một buổi lễ trang trọng ngày 25.11. 

Đại lộ Nhân sư có chiều dài gần 3km, rộng 76m, nối liền đền Karnak với đền Luxor ở thành phố cổ Thebes. Đại lộ có những bức tượng nhân sư và tượng đầu cừu đặc biệt xếp hai bên. 

Khám phá khảo cổ học Ai Cập đã được nước này tăng cường trong những năm gần đây để thúc đẩy các khám phá khảo cổ học nhằm hồi sinh ngành du lịch vốn trải qua tác động mạnh của đại dịch COVID-19.

Điển hình của nỗ lực này là tái tạo khung cảnh cổ đại trong nghi lễ "đám rước hoàng gia" diễu hành 22 xác ướp Ai Cập qua đường phố ở Cairo đến một bảo tàng mới khánh thành vào tháng 4 năm nay. 

Việc xây dựng đại lộ Nhân sư bắt đầu từ thời Tân Vương quốc Ai Cập. Đại lộ hoàn thành dưới thời trị vì của Pharaoh Nectanebo I của Ai Cập cổ đại, người cai trị Vương triều thứ 30 (380-362 trước Công nguyên), vương triều bản địa cuối cùng của Ai Cập. Tuy nhiên, đại lộ Nhân sư đã bị chôn vùi dưới nhiều lớp cát qua nhiều thế kỷ.

Đại lộ Nhân sư ở Karnak, Ai Cập, năm 1900. Ảnh: Khảo cổ Ai Cập

"Số lượng đống đổ nát được lấy đi trong nhiều thập kỷ cao tới 8m. Mỗi lớp cát đều kể cho chúng ta một câu chuyện về đại lộ đó" - Mostafa el-Sagheer, người đứng đầu cơ quan Cổ vật của Karnak, người giám sát dự án khai quật đoạn cuối của đại lộ, chia sẻ với ABC News. 

Dấu vết đầu tiên của đại lộ Ai Cập cổ đại được phát hiện năm 1949 khi nhà khảo cổ học Ai Cập Mohammed Zakaria Ghoneim phát hiện ra 8 bức tượng gần đền Luxor. Có 17 bức tượng khác được phát hiện từ năm 1958 đến năm 1961 và 55 bức tượng được khai quật từ năm 1961 đến năm 1964, tất cả những bức tượng này đều trong phạm vi chu vi 250m. 

Từ năm 1984 đến năm 2000, toàn bộ tuyến đường đi bộ cổ đại cuối cùng được xác định, giao cho máy xúc đào lòng đường. 

Tuy nhiên, để con đường được khai thông hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà, những nhà thờ Hồi giáo và 1 nhà thờ Tin lành Phúc âm 115 năm tuổi, đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho con đường này. 

Biến động ở Ai Cập sau cuộc nổi dậy năm 2011 làm nỗ lực hoàn thành dự án bị đình trệ trong vài năm trước khi nối lại năm 2017.

"Từ năm 2017 đến năm 2021, 20 hoặc 25% cuối cùng của con đường đã được đào" - chuyên gia el-Sagheer nói.

3 nhóm tượng chính

Hầu hết trong số 1.057 bức tượng ban đầu trong đại lộ Nhân sư đã được phục hồi. Những bức tượng được chia thành 3 nhóm. 

Tượng mình sư tử và đầu cừu được dựng lên trên một khu vực rộng gần 300m giữa đền Karnak và phân khu Mut dưới triều đại của pharaoh Tân Vương quốc Ai Cập Tutankhamun, nổi tiếng với tên gọi Vua Tut.

Nhóm thứ 2 là tượng cừu đầy đủ, được xây dựng trước ở một khu vực hẻo lánh dưới triều đại Amenhotep III của vương triều thứ 18 của Ai Cập sau đó chuyển đến đền Khonsu trong khu phức hợp Karnak.

Lễ rước 22 xác ướp Ai Cập ở Cairo tháng 4.2021. Ảnh: AFP

Nhóm tượng thứ 3, bao gồm phần lớn nhất của các bức tượng trong đại lộ, là tượng nhân sư (thân sư tử và đầu người) với các bức tượng trải dài hơn 1,6km từ phân khu Mut đến đền Luxor. Những bức tượng này được dựng lên trong thời kỳ của pharaoh Ai Cập Nectanebo I.

Theo nhà khảo cổ El-Sagheer, lễ hội Opet cổ đại cũng sẽ được tái hiện trong lễ khai trương đại lộ Nhân sư ngày 25.11. 

Lễ hội Opet của Ai Cập cổ đại chủ yếu liên quan đến lễ rước bộ 3 vị thần bảo hộ Thebes từ Karnak đến Luxor. Những vị thần này gồm thần tối cao bảo hộ thành cổ Thebes Amun, vợ ông là nữ thần Mut và con của họ là thần Khonsu. 

"Trong hành trình này, người dân Thebes sẽ xếp hàng ở cả hai bên, với các cuộc diễu hành quân sự và chơi nhạc, các vũ công biểu diễn và các lễ phục", el-Sagheer tiết lộ về sự kiện ngày mở cửa con đường Ai Cập cổ đại 3.000 năm tuổi. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn