MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ấn Độ có khoảng 40 triệu người sống chung với căn bệnh tan máu bẩm sinh. Ảnh: BBC

Ấn Độ: ''Em bé cứu tinh'' đầu tiên chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho anh trai

Phương Linh LDO | 27/10/2020 10:37
Một em bé ở Ấn Độ đã được ra đời với mục đích làm ''cứu tinh'' chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho anh trai ruột.

BBC đưa tin, một cặp cha mẹ sống tại thành phố Ahmedabad lớn nhất bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, đã hạ sinh một bé gái mang tên Kavya Solanki vào tháng 10.2018. Tới tháng 3.2010, khi cô bé được 18 tháng tuổi, tủy xương của cô đã được chiết xuất và cấy ghép cho người anh trai ruột Abhijit 7 tuổi, bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh thể nặng.

Là con thứ hai trong gia đình, Abhijit được phát hiện mắc bệnh khi mới 10 tháng tuổi. Căn bệnh hiểm nghèo khiến số lượng hemoglobin của cậu bé xuống thấp một cách nguy hiểm và phải truyền máu thường xuyên. Cậu bé luôn trong tình trạng yếu ớt và hay bị ốm do hệ thống miễn dịch bị tổn thương.

"Cứ sau 20-22 ngày, cậu bé cần 350ml đến 400ml máu. Đến năm 6 tuổi, con trai tôi đã phải truyền máu tới 80 lần", ông Sahdevsinh Solanki, cha của cậu bé cho biết.

Khao khát chữa bệnh cho con, ông Solanki đã lao vào tìm hiểu về căn bệnh. Dù biết rằng việc cấy ghép tủy xương là một phương pháp chữa bệnh vĩnh viễn nhưng cả gia đình không ai đủ điều kiện tương thích để cấy ghép cho Abhijit.

Năm 2017, ông Solanki tình cờ bắt gặp một bài báo về "Em bé cứu tinh" - một em bé được tạo ra với mục đích hiến nội tạng, tế bào hoặc tủy xương cho người anh/chị ruột. Người cha Solanki đã tìm tiến sĩ Manish Banker, một trong những chuyên gia sản khoa nổi tiếng nhất Ấn Độ và thuyết phục ông giúp thực hiện một thai nhi không mắc bệnh tan máu bẩm sinh để điều trị cho Abhijit.

Công nghệ được sử dụng cho sự ra đời của Kavya được gọi là chẩn đoán di truyền trước khi cấy ghép - cho phép loại bỏ gen gây bệnh khỏi phôi thai - đã được sử dụng ở Ấn Độ vài năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng để tạo ra một ''em bé cứu tinh''.

Tiến sĩ Banker cho biết đã mất hơn sáu tháng để tạo ra phôi thai, sàng lọc và ghép nó với phôi của Abhijit. Khi đã có một sự kết hợp hoàn hảo, bào thai đã được cấy vào tử cung của người mẹ.

Sau khi em bé chào đời, các bác sĩ tiếp tục phải đợi thêm khoảng 16-18 tháng nữa để em bé có đủ cân nặng từ 10-12kg rồi tiến hành cấy ghép tủy. Và cần khoảng vài tháng chờ đợi nữa để biết liệu có thành công hay không.

Người bố Solanki cho biết: “Đã bảy tháng kể từ khi cấy ghép và Abhijit không cần truyền máu nữa... Các bác sĩ nói rằng thằng bé đã khỏi bệnh".

"Cả Kavya và Abhijit hiện đều hoàn toàn khỏe mạnh", bác sĩ Deepa Trivedi, người thực hiện ca ghép tủy cho biết.

Người cha Solanki nói rằng sự xuất hiện của Kavya đã thay đổi cuộc sống của họ. "Chúng tôi yêu con bé hơn những đứa con khác. Nó không chỉ là con của chúng tôi mà còn là vị cứu tinh của gia đình chúng tôi. Chúng tôi sẽ biết ơn con bé mãi mãi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn