MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên lửa Brahmos trong một sự kiện triển lãm ở Ấn Độ năm 2023. Ảnh: website nhà sản xuất Brahmos

Ấn Độ nhắm tới Đông Nam Á trong nỗ lực tăng xuất khẩu quốc phòng

Thanh Hà LDO | 19/04/2023 10:11

Ấn Độ - nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - gần đây thông báo về việc ghi nhận mức kỉ lục mới trong xuất khẩu quốc phòng.

Chặng đường còn dài

Quốc gia Nam Á này đã xuất khẩu vũ khí trị giá 159 tỉ rupee (1,9 tỉ USD) trong năm tài khóa 2022-2023, tăng từ 128 tỉ rupee (1,6 tỉ USD) của năm trước đó. 

Ấn Độ hiện xuất khẩu vũ khí sang 80 quốc gia, bao gồm cả Philippines và Armenia, tăng từ 42 quốc gia ghi nhận năm 2020.

Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc phòng nhận định, Ấn Độ vẫn còn chặng đường dài để trở thành cường quốc quốc phòng toàn cầu.

Nước này còn cách xa mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu quốc phòng hàng năm lên 400 tỉ rupee (4,8 tỉ USD) vào năm 2026.

Từng đứng ở vị trí thứ 23 trong danh sách 25 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu toàn cầu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tổng hợp, với 0,2% thị phần xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2017-2021, Ấn Độ đã bị loại khỏi danh sách này trong giai đoạn 2018-2022.

“Điều này cho thấy những thách thức mà nước này phải đối mặt trong việc giành được ngay cả một thị phần khiêm tốn nhất trong xuất khẩu toàn cầu" - nhà phân tích quốc phòng Amit Cowshish - cựu cố vấn tài chính cho các vụ mua lại của Bộ Quốc phòng Ấn Độ - cho biết. 

Ông lưu ý, sản phẩm công nghệ cao thành công nhất của Ấn Độ, tên lửa BrahMos, vẫn có “hàm lượng nhập khẩu cao”.

Ấn Độ phụ thuộc vào Nga cho khoảng 30% linh kiện và vật liệu chế tạo tên lửa, dù sự phụ thuộc này đã giảm đáng kể từ mức khoảng 85% năm 2004.

Tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung BrahMos là sản phẩm liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ và nhà sản xuất tên lửa, tàu vũ trụ quân sự NPO Mashinostroyeniya của Nga. 

Tuy nhiên, phần lớn hàng xuất khẩu của Ấn Độ là các vũ khí công nghệ thấp tới trung bình, từ thiết bị bảo vệ cá nhân đến tàu tuần tra và các phần của vũ khí.

Ông Cowshish chỉ ra, Ấn Độ cần một “nền tảng, hệ thống vũ khí hoặc thiết bị đáng tin cậy, được thiết kế và phát triển trong nước, tương đương hoặc vượt trội so với vũ khí do các nhà sản xuất lâu đời sản xuất” để thúc đẩy xuất khẩu.

Chìa khóa cho những nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu quốc phòng là Ấn Độ phải thúc đẩy thiết kế hoặc sản xuất nội địa, hoặc cả hai, đối với vũ khí và thiết bị quốc phòng.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Ấn Độ đã công bố các cải cách nhằm giảm bớt những thủ tục xuất khẩu vũ khí cũng như khuyến khích tư nhân tham gia vào một lĩnh vực vốn do khu vực công chi phối và thu hút các công ty quốc phòng nước ngoài thành lập cơ sở tại Ấn Độ.

Đề cập đến mức xuất khẩu quốc phòng cao kỉ lục, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ ngày 1.4: “Điều đó cũng cho thấy những cải cách trong lĩnh vực này trong vài năm qua đang mang lại kết quả tốt.

Chính phủ của chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực để đưa Ấn Độ thành trung tâm sản xuất quốc phòng".

Thị trường trọng điểm đầy triển vọng

Ấn Độ thường xuất khẩu sang các nước láng giềng Sri Lanka và Nepal cũng như Chile, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Ai Cập.

Theo Straits Times, Đông Nam Á gần đây nổi lên như một thị trường trọng điểm khác của Ấn Độ.

Trong đó, Myanmar là khách mua vũ khí hàng đầu của Ấn Độ và cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 3 của Myanmar, chiếm 14% thị phần, sau Trung Quốc (42%) và Nga (29%) trong giai đoạn 2018-2022, theo SIPRI.

Những vũ khí được cung cấp bao gồm các hệ thống do thám bờ biển.

Năm 2022, Ấn Độ ký thỏa thuận vũ khí trị giá 375 triệu USD với tên lửa BrahMos với Philippines, các quốc gia cũng đang xem xét mua 6 trực thăng hạng nhẹ tiên tiến.

Indonesia sắp ký thỏa thuận BrahMos trị giá ít nhất 200 triệu USD với Ấn Độ...

Tuy nhiên, trong buôn bán vũ khí toàn cầu cạnh tranh rất gay gắt và ở châu Á cũng vậy. Năm 2022, Ấn Độ đã mất thỏa thuận trị giá 920 triệu USD với Malaysia về việc cung cấp 18 máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA). Cuối cùng, Malaysia chọn máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc thay vì Tejas của Ấn Độ.

“Đông Nam Á là một mắt xích quan trọng trong nhiệm vụ của Ấn Độ để trở thành người chơi quốc phòng toàn cầu. Tuy nhiên, dù Ấn Độ đang nhắm tới khu vực trong nỗ lực xuất khẩu các thiết bị phòng thủ tiên tiến như LCA Tejas Mk-1A, nhưng các điều kiện thị trường không thuận cho Ấn Độ về tất cả các thiết bị quốc phòng” - ông Abhijit Apsingikar - nhà phân tích quốc phòng và hàng không vũ trụ cấp cao của Công ty tư vấn GlobalData - cho hay. 

Ông lưu ý, ở Đông Nam Á, các mặt hàng xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ như Tejas đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp truyền thống như Mỹ và những bên mới tham gia như Hàn Quốc.

Ông chỉ ra, so với Ấn Độ, Hàn Quốc có thế mạnh trong các lĩnh vực như tàu hải quân, máy bay quân sự cánh cố định, xe bọc thép và pháo và thậm chí đã giành được đơn đặt hàng với các nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Thái Lan...

Nhà phân tích của GlobalData nhận định, các nước Đông Nam Á có nhiều khả năng mua tên lửa và radar của Ấn Độ trong thời gian tới.

Theo ông, Đông Nam Á cũng là “mảnh đất màu mỡ” để Ấn Độ tiếp thị các hệ thống phòng không như Akash, Barak-8 MR-SAM và hệ thống XR-SAM. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn