MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Narendra Modi công bố chủ đề cho nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ 2023 là "Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai". Ảnh: PTI

Ấn Độ thúc đẩy G20 tăng thuế với lợi nhuận vượt mức

Song Minh LDO | 17/07/2023 20:26

Các quan chức chính phủ cho biết Ấn Độ sẽ thúc đẩy các đối tác G20 ủng hộ đề xuất tăng thuế với "lợi nhuận vượt mức" của các công ty đa quốc gia.

Theo Reuters, đề xuất của Ấn Độ có thể làm giảm hy vọng của các thành viên G20 như Australia và Nhật Bản rằng cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương ở Gujarat sẽ đạt được tiến bộ trong việc cải tổ hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, vốn được chờ đợi từ lâu.

Trong năm 2024, hơn 140 quốc gia được cho là sẽ bắt đầu thực hiện thỏa thuận năm 2021 nhằm sửa đổi các quy tắc hàng chục năm tuổi về cách các chính phủ đánh thuế các công ty đa quốc gia. Các quy tắc hiện tại được coi là lỗi thời vì những gã khổng lồ kỹ thuật số như Apple hay Amazon có thể dễ dàng chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất thấp mặc dù chỉ hoạt động phần nhỏ tại các nước này.

Thỏa thuận do Mỹ thúc đẩy sẽ đánh thuế tối thiểu 15% với các công ty lớn trên toàn cầu, cộng thêm 25% thuế đối với "lợi nhuận vượt mức", theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nhưng một số quốc gia lo ngại về thỏa thuận và một số nhà phân tích nói rằng cuộc đại tu có nguy cơ sụp đổ.

Một quan chức cho biết, Ấn Độ đã đưa ra các đề xuất để đánh thuế đối với lợi nhuận vượt mức của các công ty đa quốc gia. Các đề xuất đã được đưa ra với OECD và sẽ được thảo luận rộng rãi trong cuộc họp G20 vào ngày 17-18.7.

Ba quan chức cho biết Ấn Độ muốn tăng phần thuế mà các công ty đa quốc gia phải trả cho các quốc gia nơi họ kiếm được lợi nhuận vượt mức. Họ không nói rõ Ấn Độ muốn tăng bao nhiêu.

Các Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Ấn Độ và OECD không trả lời các yêu cầu bình luận.

Theo thỏa thuận, các tập đoàn toàn cầu có doanh thu hàng năm trên 22 tỉ USD được coi là tạo ra lợi nhuận vượt mức nếu lợi nhuận vượt quá mức tăng trưởng 10% hàng năm. Khoản thuế 25% đối với số lợi nhuận vượt mức này sẽ được chia cho các quốc gia.

Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới và sẽ trở thành một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất. Theo một cuộc khảo sát của People's Research về kinh tế người tiêu dùng của Ấn Độ, thu nhập trung bình của người dân Ấn Độ sẽ tăng hơn 13 lần, lên 27.000 USD vào cuối năm 2047.

Quốc gia chủ nhà G20 cũng sẽ đề xuất loại bỏ thuế khấu trừ tại nguồn ra khỏi quy tắc thuế lợi nhuận vượt mức. Theo các quy tắc hiện nay, các quốc gia bù đắp phần thuế của họ bằng thuế khấu trừ mà họ thu được.

OECD cho biết một số khu vực pháp lý đã bày tỏ lo ngại về việc phân bổ quyền đánh thuế giữa các quốc gia.

"Các nỗ lực giải quyết những vấn đề này đang được tiến hành nhằm chuẩn bị cho Công ước Đa phương được ký kết một cách nhanh chóng" - OECD nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn