MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Anh: Bầu cử thời khủng bố

Ngạc Ngư LDO | 05/06/2017 20:24
Khủng bố lại xảy ra ở nước Anh, chỉ vài ngày trước cuộc tổng tuyển cử có ý nghĩa và tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với tương lai của đảo quốc này. Chỉ 10 ngày sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ấy, chính phủ mới ở Anh và EU sẽ chính thức bắt đầu cuộc đàm phán về việc đảo quốc này ra khỏi EU (Brexit).
Brexit là nguyên cớ và tác nhân chính trong lần bầu cử quốc hội này, nhưng giờ đã có thêm tác nhân mới là khủng bố. Brexit và khủng bố, hay nói cho đúng hơn, Brexit và chuyện đảm bảo an ninh nội địa không phải không liên quan đến nhau. Cử tri Anh khi quyết định bỏ phiếu ở lần bầu cử này sẽ lựa chọn chính trị gia nào và đảng phái chính trị nào họ tin rằng vừa xử lý với EU chuyện Brexit có lợi nhất cho họ, tức là dù tới đây không còn là thành viên EU nữa nhưng nước Anh vẫn được lợi tối đa từ EU, lại vừa có thể đảm bảo được an ninh tốt nhất cho cả đảo quốc.

Khủng bố lại xảy ra ở nước Anh đêm 3.6 tại khu vực London Bridge và Borough Market, không hề lâu sau vụ khủng bố ở Manchester. Một chiếc xe tải chạy tốc độ cao đâm vào khách bộ hành trước khi các nghi phạm nhảy ra và đâm dao vào dân thường và cảnh sát. Ít nhất bảy người thiệt mạng và ba nghi phạm bị cảnh sát bắn chết, gần 50 người bị thương trong các vụ tấn công.

Chưa có cuộc bầu cử quốc hội nào trong lịch sử nền dân chủ ở Anh bị khủng bố ám ảnh như lần này. Nó gây ra tác động rất to lớn và mạnh mẽ tới tâm lý của cử tri. Nó như cú sốc lớn làm nhận thức lành mạnh của cử tri được thức tỉnh và thường khiến cử tri quyết định theo lý trí nhiều hơn là theo tình cảm.

Có thể thấy rất rõ mức độ tác động của điều này cả ở trong chuyện bầu cử của nước ngoài. Mới đây nhất là bầu cử Tổng thống ở nước Pháp. Cả hai ứng cử viên lọt vào vòng đấu loại trực tiếp thứ hai là ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen. Vụ khủng bố xảy ra ngày 21.4.2017 tuy không lớn nhưng vẫn như nhát dao đâm vào trái tim và thân thể nước Pháp, chỉ 2 ngày trước vòng bầu cử đầu tiên. Cử tri Pháp lo ngại sâu sắc về an ninh, nhưng không ủng hộ những biện pháp đảm bảo an ninh mạnh mẽ đến mức cực đoan của bà Le Pen mà tán đồng những đối sách tỉnh táo và được suy tín chỉn chu của ông Macron.

Bà Theresa May vốn không ủng hộ Brexit mà hiện muốn đắc cử để vận hành toàn bộ tiến trình Brexit. Khi còn là Bộ trưởng Nội vụ, bà May đã tiến hành cắt giảm chi tiêu và nhân sự ở bộ máy an ninh, cảnh sát, tình báo... Bây giờ, bà May phải trực diện với mối đe doạ an ninh từ khủng bố. Cho nên, cử tri trên đảo quốc này sẽ không dễ dàng gì khi phải quyết định lựa chọn bỏ ai, bầu ai trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 9.6 tới.

Trên thực tế, cái khó đối với bà May hay ai đó khác tới đây đắc cử và đối với dân chúng ở Anh là Brexit hoàn toàn không thể là biện pháp chính sách thích hợp nhất để đối phó khủng bố. Nước Anh ở Châu Âu và an ninh của nước này gắn liền với an ninh của cả châu lục. Muốn chống khủng bố hiệu quả và thành công, nước Anh không thể biệt lập với châu lục mà phải hợp tác và gắn kết với châu lục. Nhưng làm việc ấy như thế nào khi chuyện Brexit đã trở nên không còn có thể đảo ngược được nữa. Cho nên, dù bà Theresa May hay ai đó khác đắc cử trong ngày 9.6 tới thì cũng đều được cử tri Anh trao cho sứ mệnh không dễ khả thi chút nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn