MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP

Anh hướng tới tăng cường ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Thanh Hà LDO | 17/03/2021 10:30
Bản đánh giá về chính sách ngoại giao và quốc phòng của chính phủ Anh công bố ngày 16.3 nêu bật tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương với mong muốn mở rộng ảnh hưởng của Anh hậu Brexit tại khu vực này, đồng thời duy trì quan hệ vững chắc với Mỹ.

Xác định kỷ nguyên mới của Anh

Theo đó, văn bản dài 100 trang nhấn mạnh Ấn Độ - Thái Bình Dương "đang ngày càng trở thành trung tâm địa chính trị của thế giới". Chính phủ Anh nêu bật việc tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh sẽ được triển khai tới khu vực và công bố về một chuyến thăm Ấn Độ vốn bị hoãn trước đó sẽ diễn ra vào tháng 4 tới.

Reuters nhận định, việc Anh nhắm tới tăng cường ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương như một đối trọng với Trung Quốc, là đợt đánh giá lớn nhất về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Anh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vài thập kỷ trước.

Việc này cũng sẽ vạch ra phương hướng hoàn thành các mục tiêu tương lai của Thủ tướng Boris Johnson để đưa Anh đi đầu trong một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đặt nền tảng trên hợp tác và thương mại tự do.

Kể từ khi hoàn tất việc rút khỏi Liên minh Châu Âu vào cuối năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã cam kết tài liệu được gọi là "Đánh giá tích hợp" sẽ cho thấy Anh vẫn có ảnh hưởng trên trường quốc tế và xác định một kỷ nguyên mới cho đất nước.

Năm nay, Anh đang đảm nhận 2 vai trò quan trọng: Chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên sau đại dịch vào tháng 6 tới và hội nghị khí hậu COP26 vào tháng 11.

Reuters lưu ý, tài liệu của Anh về các ưu tiên chính sách đối ngoại cũng nêu bật "tầm quan trọng của mối quan hệ của chúng ta với Mỹ". Anh đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Mỹ và đảm bảo vị trí của nước này trong các ưu tiên quốc tế của Tổng thống Joe Biden.

Ngoài ra, những thành phần cơ bản trong chính sách của Anh được đề cập trong tài liệu cũng bao gồm bảo vệ dân chủ, nhân quyền và an toàn khỏi chủ nghĩa khủng bố.

Lý do Anh ngả về Ấn Độ - Thái Bình Dương

Tờ The Guardian nhận định, với việc tự rút khỏi thị trường chung Châu Âu, Anh thời hậu Brexit cần những khu vực thương mại mới, đồng thời sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đòi hỏi Anh phải có động thái mạnh. Các quốc gia Châu Âu khác như Pháp, Đức gần đây đã đưa ra các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tầm quan trọng của khu vực từng được nhấn mạnh nhiều lần, với các tuyến đường thủy Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cùng các vùng biển bên trong và các vịnh rộng lớn, là “những con đường tích hợp quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, kết nối Châu Âu và bán cầu tây với các công xưởng của thế giới”.

Khu vực này hiện chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu và hơn một nửa dân số thế giới, bao gồm hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.

Các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản; hai trong số những quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Indonesia... cũng nằm trong khu vực này.

Đáng chú ý, ở đây có các tuyến đường biển của khu vực, được các học giả đánh giá là “quan trọng nhất của thế giới”, trong đó có eo biển Malacca nối Ấn Độ Dương với Biển Đông.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab từng đề cập trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 12.2020 rằng: “Nếu nhìn vào Ấn Độ và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và có tầm nhìn dài hạn, đó là nơi có những cơ hội tăng trưởng”.

Chính sách hướng về Ấn Độ - Thái Bình Dương của Anh, theo cây viết Patrick Wintour của The Guardian, có "phần thưởng lớn" là khả năng tiếp cận các thị trường rộng mở và trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nền kinh tế khu vực.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liz Truss nhấn mạnh rằng, việc gia nhập hiệp định sẽ giúp Anh tiếp khu vực có thị trường 500 triệu dân và chiếm khoảng 14% nền kinh tế thế giới...

Ngoài ra, điều Anh hướng tới khi tập trung vào khu vực là một thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ. Anh gần đây đang có nhiều động thái để gắn kết với Ấn Độ hơn. Thủ tướng Boris Johnson mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự G7.

Thêm vào đó, chuyến thăm Ấn Độ của thủ tướng Anh dự kiến diễn ra trong tháng 4 tới với nội dung được cho là tập trung vào mở rộng quan hệ đối tác thương mại Anh-Ấn, tiền thân của một thỏa thuận thương mại, vừa đạt được gần đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn