MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyết nhân tạo sử dụng cho các môn thi đấu liên quan đến tuyết ở Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh Trung Quốc chụp từ vệ tinh Landsat 8. Ảnh: Lansat/ NASA's Earth Observatory

Ảnh vệ tinh ấn tượng về tuyết nhân tạo tại Thế vận hội Bắc Kinh

Bảo Châu LDO | 10/02/2022 16:41

Bức ảnh vệ tinh ấn tượng cho thấy, tuyết nhân tạo trắng xóa nổi bật trên những dãy núi đá khô cằn phục vụ Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Bức ảnh do vệ tinh Landsat 8 chụp ngày 29.1 tại khu vực tổ chức môn thi thể thao trượt tuyết của Thế vận hội ở núi Xiaohaituo, huyện Diên Khánh, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 74km về phía tây bắc. Đây là nơi diễn ra các môn thể thao xe trượt (xe trượt lòng máng, trượt ván nằm sấp skeleton và trượt ván luge) và trượt tuyết đổ đèo, tất cả đều yêu cầu các đường trượt băng hoặc tuyết dài, đòi hỏi hàng trăm mét khối tuyết. Tuy nhiên, khu vực này chỉ ghi nhận lượng tuyết trung bình 3,3cm vào tháng 2, theo Đài quan sát Trái đất của NASA . 

Do đó, Thế vận hội Bắc Kinh, chính thức bắt đầu vào ngày 4.2, trở thành Thế vận hội mùa đông đầu tiên sử dụng tuyết nhân tạo gần như 100% cho tất cả môn thể thao trên tuyết, bao gồm trượt tuyết nhảy xa, trượt tuyết tự do và trượt tuyết băng đồng, theo một báo cáo mới từ các nhà nghiên cứu Đại học Loughborough ở Anh. Việc sử dụng tuyết nhân tạo đã gây ra tranh cãi đáng kể.

Để tạo ra tuyết nhân tạo cần một lượng nước và năng lượng khổng lồ. Trong báo cáo mới, các nhà nghiên cứu ước tính Thế vận hội Bắc Kinh sẽ phải sử dụng ít nhất 1,2 triệu mét khối tuyết nhân tạo, do đó, sẽ cần khoảng 223 triệu lít nước. Các nhà tổ chức đã lắp đặt 300 vòi rồng chạy bằng năng lượng của 130 máy phát điện, sử dụng nguồn cung từ 8 tháp giải nhiệt nước và 3 trạm bơm.

Trung Quốc trước đó tuyên bố Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ được cung cấp năng lượng tái tạo 100%, BBC đưa tin.

Theo báo cáo, tuyết nhân tạo cũng gây ra một số vấn đề môi trường khác. Để tối đa hóa tuổi thọ của tuyết nhân tạo, người ta phải cho thêm các hóa chất vào nước để giúp tuyết không bị tan chảy. Những hóa chất này có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho thực vật nơi bị tuyết bao phủ và nước tan chảy ra sông có thể ảnh hưởng đến các khu vực lân cận. Các nhà nghiên cứu viết: "Sự tan chảy chậm của tuyết nhân tạo cũng có thể làm gián đoạn hành vi của động thực vật và ô nhiễm tiếng ồn do vòi rồng tạo ra có thể ảnh hưởng đến động vật hoang dã địa phương".

Thành phần của tuyết nhân tạo cũng tạo nên sự khác biệt cho các vận động viên khi chứa gần 30% băng và 70% không khí, trong khi tuyết tự nhiên là gần 10% băng và 90% không khí. Các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo mới cho biết, sự khác biệt này làm cho dốc tuyết nhân tạo nhanh hơn và cứng hơn so với điều kiện tuyết tự nhiên mà các vận động viên quen tập luyện.

Bất chấp một số bất lợi, tuyết nhân tạo có lẽ là điều cần thiết trong tương lai. Các nhà nghiên cứu cho rằng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ dãy núi Alps đến các dãy núi Pyrenees, Rockies đến Andes, những người hâm mộ môn thể thao trượt tuyết đang chứng kiến các mùa ngắn hơn, lượng tuyết rơi ít hơn và các sông băng tan chảy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn