MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ảnh vệ tinh về núi lửa Tây Ban Nha phun trào dữ dội sau nửa thế kỷ ngủ yên

Bảo Châu LDO | 23/09/2021 13:51

Vệ tinh Trái đất ghi lại hình ảnh vụ phun trào núi lửa Cumbre Vieja trên đảo La Palma, Tây Ban Nha sau 50 năm ngủ yên.

Vệ tinh quan sát Trái đất Sentinel-2 - nằm trong chương trình quan sát Trái đất Copernicus của Liên minh Châu Âu - đã ghi lại được hình ảnh vụ phun trào núi lửa Cumbre Vieja khi bay qua khu vực này vào ngày 20.9.

Qua hình ảnh, có thể thấy những đám khói và dòng dung nham núi lửa đang tràn về phía sườn phía tây của hòn đảo La Palma, thuộc quần đảo Canary Island của Tây Ban Nha.

Dữ liệu từ Dịch vụ Quản lý Khẩn cấp Copernicus cho thấy quy mô tàn phá của vụ phun trào núi lửa trên đảo La Palma. Ảnh: Emergency Management

Dung nham núi lửa Cumbre Vieja đã phá hủy 320 ngôi nhà ở vùng Los Llanos de Aridane, phía tây đảo La Palma và đang lan dần ra biển. Hơn 6.000 người đã được sơ tán.

Chính quyền đang cân nhắc tiến hành các cuộc sơ tán tiếp theo do các nhà địa chất lo ngại rằng dung nham có thể gây ra các vụ nổ nguy hiểm và giải phóng khí độc khi ra đến bờ biển và hòa vào nước biển.

Núi lửa Cumbre Vieja trên đảo La Palma, Tây Ban Nha phun trào lần đầu tiên sau 50 năm hôm 19.9. Ảnh: Copernicus

Các nhà khoa học cũng đang tiếp tục theo dõi tình trạng khói núi lửa chứa nhiều khí sulfur dioxide do vụ phun trào tạo ra và có xu hướng lan rộng. 

Theo Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS), chùm khói sẽ tiếp tục lan rộng về phía bắc hòn đảo trong những ngày tới và di chuyển qua đất liền Tây Ban Nha và Pháp vào cuối tuần này.

 Khói núi lửa giàu sulfur dioxide từ núi lửa đảo La Palma sẽ bay đến Pháp vào cuối tuần này. Ảnh: CAMS

Trung tâm Tư vấn Tro núi lửa, hình ảnh vệ tinh cho thấy sự hiện diện của tro núi lửa trong khí quyển cách nơi phun trào 54km về phía tây bắc. Cho đến nay, tro núi lửa từ vụ phun trào chỉ gây ra một số hạn chế nhất định đối với giao thông hàng không trên đảo.

Vệ tinh Môi trường Hoạt động Địa tĩnh GOES-East, do Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) vận hành cũng đã ghi lại được vụ phun trào núi lửa Cumbre Vieja từ độ cao 36.000km. Các hình ảnh hồng ngoại của vệ tinh cho thấy dấu hiệu nhiệt của vụ phun trào. 

Hình ảnh hồng ngoại về núi lửa Cumbre Vieja do vệ tinh GOES-East chụp lại. Ảnh: University of Wisconsin-Madison

Núi Cumbre Vieja trên đảo La Palma của Tây Ban Nha phun trào lần cuối cùng vào năm 1971 nhưng với mức độ nhẹ hơn đáng kể so với lần hiện tại và không kèm theo các cơn dư chấn. Lần này, các nhà địa chất đã phát hiện hơn 22.000 trận động đất nhỏ trong vòng một tuần trước khi vụ phun trào bắt đầu xảy ra - dấu hiệu cảnh báo về lượng dung nham đang gia tăng trong lòng núi lửa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn