MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga đóng vô thời hạn đường ống dẫn khí Nord Stream. Ảnh: AFP

Áp giá trần dầu khí Nga: Con dao hai lưỡi

Ngạc Ngư LDO | 12/09/2022 07:42

Thời EU còn thân thiện với Nga, sự đóng góp của Nga vào việc đảm bảo an ninh năng lượng cho các thành viên EU thông qua cung ứng than đá, dầu mỏ và khí đốt được coi là một biểu tượng cho chất lượng và mức độ gắn bó trong mối quan hệ hợp tác giữa EU và Nga.

Khi ấy, việc các nước thành viên EU trên thực tế phụ thuộc ở mức độ khá đáng kể vào cung ứng năng lượng từ Nga không bị EU nhìn nhận là một rủi ro về an ninh.

Từ sau khi bùng phát chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina thì chuyện này trở nên hoàn toàn khác trước về bản chất. Nga sử dụng chuyện cung ứng này làm vũ khí đối phó chính sách thù địch Nga của EU. EU buộc phải tính cách tự thoát ra khỏi sự lệ thuộc nói trên để vừa vô hiệu hoá vũ khí này của Nga vừa triệt hạ nguồn thu nhập rất quan trọng này của Nga.

Cùng với Mỹ và nhóm G7, EU đưa ra lộ trình giảm dần đi tới chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga. Nhóm G7 đã quyết định cấm vận Nga xuất khẩu dầu mỏ theo đường vận tải biển. Mỹ tung ra ý tưởng áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga. EU hiện đang bàn và tới đây chắc sẽ thông qua chủ trương áp đặt giá trần đối với khí đốt của Nga xuất khẩu ra thị trường bên ngoài.

Với biện pháp áp giá trần cho dầu mỏ và khí đốt của Nga, Mỹ và EU theo đuổi đồng thời hai mục đích. Thứ nhất, họ không để cho Nga xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt với giá cao. Giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao mà Nga xuất khẩu càng nhiều thì thu về lợi càng nhiều. Đồng thời, phe kia còn cho rằng Nga giảm khối lượng xuất khẩu, tạo ra sự khan hiếm giả tạo trên thị trường năng lượng làm cho giá năng lượng tăng cao và nhanh, khi ấy Nga xuất khẩu khối lượng giảm bớt so với trước nhưng lợi nhuận thu về lại cao hơn so với trước. Áp giá trần sẽ làm phá sản mưu tính này của Nga.

Thứ hai, cuộc chiến ở Ukraina tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và tình hình lạm phát ở Mỹ và EU. Các biện pháp của Mỹ và EU nhằm trừng phạt Nga và đối phó của Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng thật sự ở Mỹ và EU. Lạm phát tăng, giá năng lượng cao khiến dân chúng lo ngại và suy giảm mức độ sẵn sàng ủng hộ chính quyền ở các nơi hậu thuẫn Ukraina bằng mọi giá để chiến tranh với Nga. Áp giá trần đối với xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ giúp làm cho giá năng lượng không tiếp tục tăng mà sẽ giảm.

Nếu Mỹ, EU và G7 thực hiện được việc áp giá trần này thì Nga chắc chắn sẽ không tránh khỏi bị thiệt hại. Nhưng vấn đề lại ở chỗ ý tưởng hay sáng kiến này có thật sự khả thi hay không và nếu khả thi thì khả thi đến đâu và khi nào mới đưa lại hiệu ứng trên thực tế.

Để thành công với sáng kiến này, Mỹ và EU cùng với G7 phải có được sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa tất cả các thành viên và đối tác của họ. Tiền đề tiên quyết này hiện chưa thấy tồn tại trong phe ấy. Tiền đề tiên quyết tiếp theo là phe kia phải kiểm soát được hoàn toàn thị trường vận tải và bảo hiểm thế giới, bởi chỉ như vậy mới ngăn chặn được Nga xuất khẩu năng lượng theo cách khác và với giá cao hơn mức giá trần mà phe kia định áp đặt.

Tác nhân tiếp theo quyết định thành bại của sáng kiến này của Mỹ, EU và G7 là Nga có khách hàng tiếp tục mua năng lượng theo giá thoả thuận với nhau hay không, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Trên thế giới có không ít đối tác không vì Mỹ và EU mà theo phe này đối đầu Nga, đồng thời không vì Nga mà bất chấp Mỹ và EU. Họ sẽ tìm cách cân bằng động giữa hai phe. Họ sẽ tìm cách riêng để tiếp tục hợp tác với Nga trên lĩnh vực năng lượng.

Bởi thế, áp giá trần giống như con dao hai lưỡi mà vận dụng càng dài lâu thì cái phản tác dụng sẽ càng lớn đối với bên áp dụng nó. Cũng vì thế mà sáng kiến có thể là sáng kiến nhưng cũng có thể là mờ kiến, thậm chí cả tối kiến. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn