MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cháy rừng hoành hành ở Australia. Ảnh: DT

Australia: Cháy rừng thảm khốc gây tranh cãi về chính sách khí hậu

KHÁNH MINH LDO | 12/11/2019 18:24

Ngày 11.11, Australia tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên một vùng rộng lớn ở bờ biển phía đông, kêu gọi cư dân ở các khu vực có nguy cơ cao phải sơ tán trước tình trạng cháy rừng “thảm khốc”.

Tình trạng khẩn cấp kéo dài 7 ngày được ban bố tại bang New South Wales, nơi gió mạnh, nhiệt độ cao và độ ẩm thấp dẫn đến cảnh báo cháy rừng “thảm khốc” cho khu vực đô thị Greater Sydney. Đây là mức độ cảnh báo tồi tệ nhất từng được ban bố với Sydney theo hệ thống hiện tại, bắt đầu áp dụng vào năm 2009. Thành phố này là nơi cư trú của khoảng 65% trong số 7,95 triệu cư dân của New South Wales. Khu vực Greater Hunter gần đó, Illawarra và Shoalhaven cũng đang đối mặt với các mối đe dọa hỏa hoạn “thảm khốc”.

“Nguy cơ là có thật. Chúng tôi đã chứng kiến sự tàn phá và đang đối mặt với những điều kiện tồi tệ hơn những gì chúng ta đã thấy ở New South Wales trong mùa này” - ủy viên phòng cháy chữa cháy New South Wales, Shane Fitzsimmons nói với trang 9 News của CNN. “Vì sự sống còn của bạn, rời đi sớm là lựa chọn duy nhất” - cảnh báo nêu rõ.

Ông Fitzsimmons cho biết, các vụ hỏa hoạn đã trở nên tồi tệ đến mức chính quyền đặt trọng tâm là bảo đảm tính mạng và ưu tiên cứu người hơn là nhà cửa và tài sản.

Tính đến sáng 11.11, 64 đám cháy đã bùng phát trên khắp New South Wales, 40 trong số đó không được khống chế. Hàng chục trường học trong khu vực nguy cơ hỏa hoạn bị đóng cửa. 50 vụ cháy hoành hành trên khắp Queensland, với 3 đám cháy lớn nằm trên một diện tích 500km. Dự báo khu vực này sẽ không có mưa cho đến tháng giêng.

Ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 150 ngôi nhà đã bị thiêu rụi. Ước tính 350 con gấu kaola chết trong vụ cháy. Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói cuồn cuộn hơn 4.000km trên biển Tasman tới tận Đảo Nam của New Zealand.

Biến đổi khí hậu

Những vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Australia từng phá hủy hàng nghìn ngôi nhà ở bang Victoria vào tháng 2.2009, làm 173 người chết và 414 người bị thương vào một ngày mà truyền thông gọi là “Ngày thứ bảy đen tối”. Trong những năm gần đây, các vụ cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và lan rộng hơn. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do biến đổi khí hậu.

Các cựu quan chức cứu hỏa cao cấp đã kêu gọi chính phủ làm nhiều hơn để chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Các nhà hoạt động môi trường và các nhà lập pháp đối lập kêu gọi Thủ tướng Morrison, người ủng hộ ngành than, tăng cường các mục tiêu phát thải của Australia. Trong khi đó, ông Morrison từ chối trả lời các câu hỏi về việc liệu các vụ cháy rừng có liên quan đến biến đổi khí hậu hay không khi ông đến thăm các khu vực bị hỏa hoạn ở New South Wales cuối tuần qua. Ông Morrison nói thêm rằng các nhà phê bình đã phủ nhận thành tựu của Australia trong chống biến đổi khí hậu và tuyên bố chính phủ của ông đã cân bằng hiệu quả các nhu cầu của nền kinh tế và hành động thực sự về biến đổi khí hậu.

Còn Phó Thủ tướng Michael McCormack hôm 11.11 cáo buộc các nghị sĩ của Đảng Xanh chính trị hóa các vụ cháy rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn