MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu chiến Australia, Mỹ và Nhật Bản diễn tập tại Biển Philippines, gần Biển Đông trong tuần này, Ảnh: Hải quân Mỹ.

Australia gửi công hàm lên LHQ bác yêu sách Trung Quốc ở Biển Đông

Thanh Hà LDO | 25/07/2020 09:39
Australia gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và phán quyết của tòa trọng tài năm 2016. 

Phái đoàn Thường trực Australia tại Liên Hợp Quốc gửi công hàm số 20/026 lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 23.7, bày tỏ lập trường về 5 công hàm ngày 12.12.2019, 23.3, 17.4, 2.6, 18.6.2020 của Trung Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc liên quan đến Báo cáo ranh giới thềm lục địa của Malaysia.

Công hàm ngày 23.7 nêu rõ: "Chính phủ Australia bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đặc biệt là, các tuyên bố trên biển không tuân thủ theo các luật lệ (của UNCLOS) về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại các thực thể biển".

Công hàm số 20/026 của Australia nhấn mạnh, Australia phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với “quyền lịch sử” hoặc “quyền và lợi ích biển” được xác định dựa trên “thực tiễn lịch sử lâu đời” ở Biển Đông. Australia khẳng định, phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông năm 2016 đã kết luận những yêu sách này không phù hợp với UNCLOS 1982, và do đó không  có giá trị pháp lý.

Australia cũng khẳng định, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các "nhóm đảo" hoặc các thực thể trên biển xa xôi nhất ở Biển Đông, như yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc. Australia bác bỏ mọi yêu sách đối với vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên những đường cơ sở thẳng đó.

Australia cũng phản đối các yêu sách của Trung Quốc về vùng biển dành cho các thực thể ngập nước hoặc các bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Biển Đông theo cách không phù hợp với UNCLOS.

Đáng chú ý, công hàm số 20/026 khẳng định, Chính phủ Australia không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa “được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế”.

Liên quan đến phán quyết của toà trọng tài về Biển Đông, Australia phản đối tuyên bố của Trung Quốc về việc nước này không bị ràng buộc bởi phán quyết, Australia cho rằng, phán quyết là cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên.

Trong công hàm ngày 23.7, Australia cũng kêu gọi các quốc gia tranh chấp tại Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, làm rõ yêu sách biển của mình và giải quyết tranh chấp một cách hoà bình thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn