MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Azerbaijan đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỉ mét khối khí đốt trong năm 2024. Ảnh chụp màn hình

Azerbaijan cạnh tranh quyết liệt với Nga xuất khẩu khí đốt sang EU

Song Minh LDO | 11/04/2024 15:21

Azerbaijan, nước đồng minh láng giềng của Nga, đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu sang EU vào năm 2027.

Trang bne IntelliNews đưa tin, Romania đã chuyển sang sử dụng khí đốt của Azerbaijan. Hợp đồng cung cấp 1 tỉ mét khối khí đốt đã được ký ngày 3.2.2023 giữa Công ty Dầu khí Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan (SOCAR) và công ty Romgaz của Romania.

Việc giao hàng được thực hiện bằng đường ống dẫn khí Hy Lạp - Bulgaria (IGB), đường ống xuyên Adriatic (TAP) và đường ống Bulgaria - Romania - Hungary - Áo (BRUA). SOCAR bày tỏ sẵn sàng gia hạn hợp đồng này đến năm 2026.

Ngay sau khi hợp đồng hết hạn, ngày 1.4, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Romania Sebastian Ioan Burduja đã đến thăm Azerbaijan. Các cuộc họp tập trung vào triển vọng cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Azerbaijan đến Romania.

Dự án này được coi là cực kỳ quan trọng trong việc tăng cường không chỉ an ninh năng lượng của Romania mà còn của toàn EU, biến Romania trở thành hành lang trung chuyển khí đốt của Azerbaijan vào châu Âu.

Sau khi EU cắt giảm khí đốt Nga trong năm 2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tới Baku để gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và hai bên đã ký một thỏa thuận cung cấp 10 tỉ mét khối khí đốt để củng cố nguồn cung khí đốt của Châu Âu.

“Liên minh châu Âu quyết định đa dạng hóa khỏi Nga và hướng tới các đối tác đáng tin cậy hơn. Tôi rất vui khi có Azerbaijan trong số đó. Các bạn thực sự là đối tác năng lượng quan trọng và tin cậy với chúng tôi” - bà von der Leyen phát biểu trong chuyến thăm Baku.

Là một phần của thỏa thuận năng lượng mới, vào tháng 10.2022, SOCAR và Romgaz đã ký một bản ghi nhớ để tiến hành nghiên cứu khả thi về kinh tế và kỹ thuật (TEFS) đối với việc vận chuyển khí đốt của Azerbaijan dọc theo tuyến Baku - Kulevi - Constanta.

Các đường ống xuất khẩu dầu khí của Azerbaijan. Nguồn: S&P Global Platts

Dự án này có thể bao gồm việc xây dựng các nhà máy sản xuất và tái hóa khí LNG ở Kulevi và Constanta, đồng thời phát triển các cơ sở hạ tầng cần thiết khác.

TEFS dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay, tái khẳng định cam kết của Romania và Azerbaijan về hợp tác năng lượng sâu rộng trong bối cảnh tái thiết thị trường năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, Romania không phải là điểm đến duy nhất ở châu Âu đối với khí đốt của Azerbaijan, như Tổng thống Aliyev đã nói trong bài phát biểu tại lễ khai trương đường ống Bulgaria - Serbia ở Nis, Serbia.

Tổng thống cho biết Azerbaijan đang hướng tới mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp đôi lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vào năm 2027. Điều đó có nghĩa là Azerbaijan sẽ không chỉ phải tăng sản lượng khí đốt mà còn mở rộng đáng kể công suất ba đường ống dẫn khí chính của Hành lang Khí đốt phía Nam (SGC). Hành lang này là huyết mạch quan trọng để vận chuyển khí đốt của Azerbaijan từ bờ biển Caspi trực tiếp đến thị trường châu Âu.

Đến đầu năm 2024, Azerbaijan là nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn thứ tư cho EU sau Algeria, Na Uy, Vương quốc Anh và Nga.

Italy, Hy Lạp và Bulgaria là những khách hàng chính của Azerbaijan ở châu Âu, đã tăng nhập khẩu lên mức kỷ lục vào năm 2023, đạt khoảng 12,9 tỉ mét khối - dựa trên dữ liệu của cơ quan thống kê EU Eurostat.

EU từng nhập khẩu khoảng 150 tỉ mét khối khí đốt từ Nga, trong đó khoảng 25 tỉ mét khối hiện vẫn được cung cấp qua đường ống dẫn khí Turkstream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) và hệ thống đường ống qua Ukraina.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Azerbaijan Parviz Shahbazov cho biết, kế hoạch của Baku là tăng sản lượng khí đốt lên 49 tỉ mét khối vào năm 2024, trong đó 24 tỉ mét khối dành cho xuất khẩu. Kế hoạch này đang đi đúng hướng. Trong 2 tháng đầu năm nay, Azerbaijan đã xuất khẩu 4,1 tỉ mét khối khí đốt, trong đó 2,1 tỉ mét khối xuất sang châu Âu.

Azerbaijan cũng muốn mở rộng danh sách các nước châu Âu mua khí đốt của mình, hiện mới bao gồm Italy, Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Hungary và Serbia.

Năm 2026, Albania dự định bắt đầu sử dụng khí đốt của Azerbaijan để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình, khoảng 200 triệu mét khối khí đốt mỗi năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn