MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại sứ quán Nga tại thủ đô Warsaw của Ba Lan. Ảnh: ĐSQ Nga

Ba Lan tịch thu tiền của đại sứ quán và thương vụ Nga

Ngọc Vân LDO | 27/04/2023 07:07
Đại sứ Nga gọi việc Ba Lan tịch thu tiền của đại sứ quán và thương vụ Nga là "vi phạm trắng trợn" Công ước Vienna.

Tất cả số tiền trong tài khoản của đại sứ quán Nga và thương vụ Nga tại Warsaw đã bị văn phòng công tố Ba Lan tịch thu - hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergey Andreyev cho biết hôm 26.4.

“Chúng tôi đã nhận được thông báo từ văn phòng công tố rằng tiền trong tài khoản ngân hàng Santander của đại sứ quán và thương vụ đã được chuyển vào tài khoản của văn phòng công tố” - Đại sứ Andreyev nói.

Ngân hàng Santander sau đó thông báo với đại sứ quán "ngừng hợp tác" với chính phủ Nga và đóng các tài khoản. Theo Đại sứ Andreyev, trong cả hai tài khoản có "số lượng đáng kể" cả USD và đồng zloty của Ba Lan.

Đại sứ Andreyev gọi vụ việc là “vi phạm trắng trợn Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao” - công ước năm 1961 quy định quyền và trách nhiệm của các nhà ngoại giao.

Chính quyền Ba Lan trước đó đã đóng băng tài khoản của đại sứ quán, với lý do nghi ngờ rằng nó có thể liên quan đến “rửa tiền hoặc khủng bố”. Do tài khoản bị phong tỏa, đại sứ quán không thể trả tiền thuê một cơ sở giải trí gần Warsaw, nên chính quyền Ba Lan đã chấm dứt hợp đồng thuê và tịch thu tài sản vào tháng 11.2022.

Một tài sản khác, một ngôi nhà ở địa chỉ 100, phố Sobieski, đã bị tịch thu vào mùa xuân năm ngoái. Thị trưởng Warsaw Rafal Trzaskowski cho biết vào thời điểm đó nên trao số tiền này cho những người tị nạn từ Ukraina

Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết tòa nhà thuộc sở hữu bất hợp pháp của đại sứ quán vì nó không được sử dụng cho mục đích ngoại giao hoặc lãnh sự. Lời giải thích của đại sứ quán rằng tòa nhà không thích hợp để ở vì cần sửa chữa, đã bị phớt lờ.

Ba Lan cũng đã tìm cách tịch thu trường học do đại sứ quán điều hành ở Warsaw, với lý do tương tự. Bộ Ngoại giao Nga phản đối cả hai vụ bắt giữ và coi đây là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Nhiều nước EU và NATO đã trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga sau khi xung đột Ukraina leo thang vào tháng 2.2022, nhưng hầu hết không đi xa đến mức cắt đứt quan hệ với Mátxcơva. 

Mỹ và các đồng minh khẳng định không thực sự tham gia vào cuộc xung đột, ngay cả khi liên tục gửi cho Kiev vũ khí và viện trợ tài chính trị giá hơn 100 tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn