MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơ sở khí đốt của Naftogaz - công ty năng lượng quốc gia Ukraina ở phía tây Ukraina. Ảnh: Naftogaz

Bài toán đau đầu khi Ukraina đóng đường ống dẫn khí Nga

Thanh Hà LDO | 29/07/2024 10:02

Khí đốt Nga được bơm vào châu Âu thông qua các đường ống dẫn khí ở Ukraina. Tuy nhiên, Kiev đang cân nhắc thay khí đốt Nga bằng khí đốt của Azerbaijan.

Việc thay khí đốt Nga bằng khí đốt Azerbaijan đi qua đường ống dẫn khí của Ukraina có nguy cơ "biến thành một âm mưu liên quan đến việc xuất khẩu khí đốt Nga dưới dạng khí đốt Azerbaijan sang thị trường châu Âu", Mykhailo Gonchar - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu XXI, chuyên gia hàng đầu về khí đốt Ukraina - cho biết.

Vấn đề này được nêu trong chương trình nghị sự của các nhà ngoại giao và giám đốc điều của các công ty dầu khí bởi hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga giữa Naftogaz - công ty năng lượng quốc gia Ukraina - và tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Hợp đồng cuối cùng của Nga và Ukraina còn hiệu lực hiện không có khả năng được gia hạn.

Các nhà ngoại giao EU cho biết, việc chấm dứt hợp đồng làm tăng nguy cơ thiếu hụt khí đốt ở các quốc gia sườn phía đông của khối, bao gồm Slovakia, Hungary và Áo.

Oleksiy Chernyshov - Giám đốc điều hành của Naftogaz - chia sẻ với tờ Financial Times rằng, đề xuất hoán đổi khí đốt Azerbaijan là phương án thay thế chính mà Ukraina đang cân nhắc. Theo đề xuất này, Azerbaijan nhập khẩu khí đốt từ Nga sau đó xuất khẩu khí đốt của Azerbaijan sang châu Âu thông qua đường ống dẫn khí ở Ukraina.

Khí đốt của Nga đi qua đường ống dẫn khí ở Ukraina hiện chiếm khoảng 5% tổng nguồn cung khí đốt của châu Âu. Trong khi đó, ông Chernyshov thông tin, Azerbaijan chỉ có thể cung cấp 2 tỉ m3 trong số 14 tỉ m3 khí đốt mà EU nhận được thông qua đường ống dẫn khí ở Ukraina.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev xác nhận các cuộc đàm phán với Ukraina và Nga vẫn đang diễn ra. Tại một hội nghị ở Azerbaijan vào đầu tháng này, ông nhấn mạnh, cáo buộc Azerbaijan đang bán lại khí đốt của Nga cho châu Âu là "tin giả". “Bị cáo buộc là một dạng kênh xuất khẩu khí đốt của Nga là hoàn toàn không công bằng” - ông nói.

Ukraina đang cân nhắc đưa khí đốt Azerbaijan tới châu Âu qua đường ống dẫn khí của nước này thay cho khí đốt Nga. Ảnh: Naftogaz

Chuyên gia năng lượng Dennis Sakva tại công ty đầu tư Dragon Capital nhận định, Nga sẽ không chấp nhận việc này. “Nga đang kinh doanh sản xuất và bán khí đốt. Việc chuyển khí đốt của Azerbaijan sẽ mang lại quá ít lợi ích thương mại cho Nga” - ông lưu ý.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky xác nhận Kiev đang đàm phán với Azerbaijan và cho biết, đề xuất hoán đổi khí đốt Azerbaijan là một trong nhiều phương án.

Ông Chernyshov cho hay, một phương án khác là các thương nhân EU tự mua khí đốt tại biên giới Ukraina - Nga sau đó thuê vận chuyển qua đường ống của Ukraina. Hiện tại, cả hai phương án đều nên được cân nhắc.

Sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra năm 2022, Kiev vẫn tuân thủ hợp đồng năm 2019 với Gazprom, cho phép khí đốt Nga trung chuyển qua nước này tới châu Âu. Kiev thu được khoảng 1 tỉ USD phí trung chuyển mỗi năm, nhưng phần lớn được chi cho việc bảo trì cơ sở hạ tầng trung chuyển khí đốt, Serhiy Makagon - cựu giám đốc điều hành hệ thống trung chuyển của Ukraina - cho biết.

Azerbaijan đã có thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu sang EU vào năm 2027. Nhưng khi các hợp đồng dài hạn chưa đạt được, Baku đang phải vật lộn để huy động nguồn tài chính cần thiết cho việc khoan sâu hơn ở Biển Caspi để khai thác lượng khí đốt mục tiêu.

Theo một nhà ngoại giao EU, một mùa đông khắc nghiệt hoặc nhu cầu lớn về nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng ở châu Á "có thể dẫn đến tình hình nghiêm trọng vào mùa đông năm nay".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn