MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Báo Australia: Việt Nam lần thứ 2 ứng phó COVID-19 hiệu quả

Song Minh LDO | 23/09/2020 18:30
Hãng ABC của Australia nhận định, Việt Nam lần thứ hai ứng phó COVID-19hiệu quả khi hơn 2 tuần qua không có ca nhiễm nào trong cộng đồng.

Nhanh, bài bản

Bài báo viết, cho đến nay, Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á với hơn 95 triệu dân, đã ghi nhận tổng cộng 1.068 ca mắc COVID-19, gần bằng Queensland. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 35 ca tử vong do COVID-19, thấp hơn so với con số ở bang New South Wales của Australia. Hầu như tất cả các hạn chế ở Đà Nẵng, nơi bùng phát hơn 550 ca nhiễm vào cuối tháng 7, hiện đã được dỡ bỏ.

Vậy, làm thế nào mà các cơ quan chức năng của Việt Nam một lần nữa lại khống chế được sự lây lan của COVID-19, bài báo đặt câu hỏi.

Ngay từ đầu đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã vào cuộc nhanh chóng và mạnh mẽ để chống lại virus. Sau khi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào tháng Giêng, các chuyến bay đến và đi từ Vũ Hán đã bị hủy bỏ. Đến cuối tháng 3, biên giới của quốc gia này hầu như bị đóng cửa hoàn toàn. Việc kiểm tra, truy vết tiếp xúc và một chiến dịch y tế công cộng trên nhiều phương diện nhanh chóng được huy động.

“Sự hợp tác của người dân là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Ngay từ giai đoạn đầu, thông tin về virus và chiến lược ứng phó dịch bệnh đã minh bạch" - Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết hồi tháng Sáu.

Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với ABC: “Việt Nam có nhiều đợt bùng phát các bệnh truyền nhiễm trong 20 năm qua. Đây không phải là cách ứng phó sử dụng công nghệ hiện đại, nhưng được thực hiện rất nhanh và được tổ chức rất bài bản”.

Một con số khổng lồ 97% người Việt Nam cho biết họ ủng hộ ứng phó COVID-19 của Chính phủ, theo một cuộc khảo sát của hãng thăm dò ý kiến ​​YouGov của Anh.

Một người nước ngoài ở Đà Nẵng xét nghiệm COVID-19. Ảnh: ABC News

Ứng phó trên quy mô lớn khi dịch bệnh bùng phát trở lại

Tuy nhiên, vào tháng 7, dịch bệnh bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và Việt Nam có ca tử vong đầu tiên do COVID-19 vào ngày 31.7. Số ca nhiễm trong đợt bùng phát mới đã tăng lên hơn 550 - khoảng một nửa tổng số ca nhiễm của Việt Nam kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Đà Nẵng bị phong toả, việc ra vào bị hạn chế rất nhiều. “Các nhà chức trách đã làm tất cả những việc đơn giản mà họ đã làm lần trước, nhưng họ đã làm ở quy mô lớn và họ đã làm nhanh chóng" - Giáo sư Thwaites nói. Giới chức lấy mẫu của 5-6 người hoặc tất cả mọi người trong 1 gia đình, và tiến hành xét nghiệm gộp. Nếu có kết quả dương tính, tất cả các mẫu sẽ được xét nghiệm riêng.

"Bằng cách đó, Việt Nam có thể xét nghiệm khoảng 100.000 người chỉ với khoảng 20.000 lần xét nghiệm. Phương pháp này giúp Việt Nam tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc" - giáo sư Thwaites đánh giá.

WHO cho biết khoảng 1/3 số hộ gia đình của Đà Nẵng đã được xét nghiệm chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 3-10.9.

Jos Aguiar, một người Australia làm việc cho một công ty bất động sản Việt Nam tại Đà Nẵng, nói với ABC: “Việc chốt chặn nghiêm ngặt hơn nhiều so với lần trước. Trong khu phố của chúng tôi, họ rào chắn cả hai bên đường, cũng bất tiện nhưng tôi hài lòng với cách Việt Nam xử lý dịch bệnh”.

Ba-Linh Tran, Đại học Bath, và Robyn Klingler-Vidra, Đại học King's College London - những người đã nghiên cứu cách cộng đồng Việt Nam ứng phó với đại dịch - nói với ABC rằng, người dân Đà Nẵng đã "quyên góp tiền, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho bệnh viện lớn nhất của thành phố, nơi là tâm điểm của đợt sóng thứ hai này".

Hai tác giả cho biết, hầu hết mọi người Việt Nam đều tự lo cho bản thân, vì vậy hầu như không có cảm giác họ bị buộc phải làm bất cứ điều gì. Khẩu trang, giãn cách xã hội, cách ly, đóng cửa… chỉ đơn giản là công cụ và biện pháp để giữ an toàn cho mọi người và những người thân.

Cuộc sống hồi sinh

Giáo sư Thwaites cho hay, cuộc sống đã trở lại bình thường sau dịch bệnh. Các chuyến bay đến Đà Nẵng đã nối lại vào đầu tháng Chín. Nhiều ngày sau, người dân có thể tắm biển trở lại. Tuần trước, Thủ tướng thông báo các chuyến bay giữa Việt Nam với Seoul, Quảng Châu, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Tokyo sẽ nối lại.

Công ty tư vấn quốc tế PricewaterhouseCoopers cho biết: “Việt Nam vẫn được dự đoán là một trong số ít quốc gia sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2020, trong khi phần còn lại của thế giới đang đi vào suy thoái”.

Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay, trở thành một trong những nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất không bị suy thoái - bài báo của ABC cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn