MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung Quốc đưa vào hoạt động trạm nghiên cứu trên Đá Subi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP

Báo chí quốc tế: Trung Quốc tận dụng đại dịch để khẳng định yêu sách phi pháp ở Biển Đông

Thanh Hà LDO | 30/05/2020 06:30
Trung Quốc tận dụng cơ hội thuận lợi hậu đại dịch COVID-19 để khẳng định các yêu sách phi pháp với những vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở ngoại vi của nước này, đặc biệt là Biển Đông.

Liệu có cách tiếp cận mạnh hơn thời kỳ hậu đại dịch?

Căng thẳng ngoại vi của Trung Quốc gia tăng đáng kể trong vài tháng qua khi Bắc Kinh đẩy mạnh việc sử dụng các công cụ quân sự và ngoại giao ở các khu vực lân cận. Tần suất của các sự kiện liên quan tới Trung Quốc, đặc biệt là trong nửa cuối tháng 3 đã tăng lên khi sự bình thường bắt đầu trở lại ở đại lục sau đại dịch COVID-19. 

Trong bài viết đăng ngày 28.5, tờ Diplomat cho hay, điều này đặt ra một số câu hỏi, trong đó có câu hỏi, liệu Bắc Kinh có áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ hơn cho thời kỳ hậu đại dịch không.

Điểm lại các hoạt động của Trung Quốc dẫn tới gia tăng căng thẳng hiện tại ở ngoại vi nước này từ khi đại dịch bắt đầu, Diplomat cho hay, Indonesia là quốc gia đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19 đối mặt với sự cưỡng ép của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh quần đảo Natuna. Tháng 12.2019, hàng chục tàu cá Trung Quốc cùng với các tàu tuần duyên hộ tống đi vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, do đó dẫn tới bế tắc kéo dài cả tháng giữa 2 bên. 

Tiếp sau đó, tờ Diplomat chỉ ra hàng loạt sự kiện mà Trung Quốc tiến hành liên quan tới Biển Hoa Đông và Biển Đông. Cụ thể như các hoạt động “nghiên cứu và thăm dò” của tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 tại các vùng EEZ của Việt Nam và Malaysia, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh cũng di chuyển ở Biển Hoa Đông và Biển Đông... Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc còn công bố thành lập “quận Tây Sa và Nam Sa” để “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cũng như đặt danh xưng cho 80 thực thể ở Biển Đông.

Ngoài các hành vi gây hấn trên biển, gần đây, Trung Quốc cũng tham gia một số đụng độ với Ấn Độ ở nhiều điểm kiểm soát dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) dẫn tới cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai quốc gia tại 3 điểm kiểm soát tại khu vực Thung lũng Galwan, Pangong Tso và Demchok. Tình hình vẫn căng thẳng. Một báo cáo gần đây cũng cho thấy số lượng vi phạm qua LAC của Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

“Hầu hết những vụ việc này, đặc biệt là kể từ khi đại dịch bùng phát, cho thấy mô hình rõ ràng về sự gia tăng gây hấn của Trung Quốc ở khu vực lân cận. Trung Quốc nhận thấy một cơ hội thuận lợi để khẳng định các yêu sách của mình với những vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở ngoại vi của nước này, đặc biệt là Biển Đông, khi mà Mỹ vẫn đang tập trung chống dịch COVID-19 ở trong nước” - tác giả  Suyash Desai nêu trong bài viết trên Diplomat. 

Yếu tố mới trong cách tiếp cận cũ

Tranh luận của các chuyên gia Abraham Denmark, Charles Edel và Siddharth Mohandas trong bài báo có tựa đề “War on the Rocks” nhận định, hành vi gây hấn hậu đại dịch của Bắc Kinh “không mới” mà phù hợp với cách tiếp cận linh hoạt, quyết đoán và khao khát tận dụng điểm yếu của đối thủ của lãnh đạo nước này. 

“Tuy nhiên, không giống trước đây, lần này, Trung Quốc tham gia với tất cả các bên trong khu vực và liên khu vực cùng lúc ở Biển Đông và Hoa Đông” - tác giả  Suyash Desai nhận định. 

Tác giả chỉ ra lần này, Trung Quốc dựa vào cả 3 công cụ - quân sự, dân sự và ngoại giao - để chuyển tiếp những yêu sách chủ quyền với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông khiến cho tâm thế của nước này hung hăng hơn. 

Trong khi Trung Quốc đang tìm cách tận dụng cơ hội để khẳng định chủ quyền ở khu vực lân cận, Mỹ - dù đang bị ảnh hưởng bởi lây nhiễm tại các căn cứ quân sự và tàu chiến - cũng nhắm tới thể hiện sự bất bình với tham vọng của Trung Quốc. Trong đó, Mỹ đã phản ứng với động thái của Trung Quốc bằng cách thực hiện ít nhất 4 lần chiến dịch thực thi tự do hàng hải (FONOP) quanh Hoàng Sa và Trường Sa kể từ tháng 1.2020. Đáp lại hành động gần đây của Trung Quốc, Mỹ cũng nhiều lần điều các tàu chiến đi vào Biển Đông. Theo cây viết M. Taylor Fravel trong bài viết mới nhất cho tờ Washington Post, cách tiếp cận này phản ánh sự liên tục trong chính sách của Mỹ đối với khu vực, bất chấp đại dịch.

Những hành động hậu đại dịch của Bắc Kinh cũng vấp phải sự phản kháng từ một số bên ở Biển Đông và Hoa Đông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc sau vụ đâm tàu cá Việt Nam. Việt Nam và Malaysia cũng đã phản đối hành vi gây hấn của Trung Quốc trong các vùng đặc quyền kinh tế của hai nước.

Trong bài phân tích, tác giả Suyash Desai cho rằng, Mỹ và các đồng minh cần hiểu rằng hành động của Trung Quốc trong khu vực gần đây “không phải là một cách tiếp cận mới” mà là “sự tiếp nối các chính sách hung hăng” của nước này “với những yếu tố mới trong đó”. Theo ông, “trật tự khu vực sẽ chỉ bị ảnh hưởng nếu Bắc Kinh thực hiện các động thái leo thang - tuy nhiên, điều này dường như khó có khả năng xảy ra trong tương lai gần”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn