MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bão Hone và bão Gilma ở phía đông nam Hawaii (Mỹ). Ảnh: NOAA

Bão chồng bão dồn dập xuất hiện ở điểm nóng mùa bão

Khánh Minh LDO | 27/08/2024 07:09

Theo tin bão mới nhất, hiện có hai cơn bão cuồng phong và một cơn bão lớn ở Thái Bình Dương.

Thái Bình Dương trở thành điểm nóng của các cơn bão trong tuần này, với hai cơn bão ở phía đông bắc và một cơn bão ở phía tây bắc.

Bão Gilma đã mạnh lên nhanh chóng thành siêu bão cấp 4 trong thang bão 5 cấp Saffir-Simpson vào ngày 25.8 khi bão di chuyển về phía tây qua Thái Bình Dương. May mắn thay, đường đi của bão Gilma không gây thiệt hại đáng kể nhưng thay vào đó lại gây ra tình trạng biển động vào cuối tuần. Những cơn sóng cao 3,5 mét và sức gió lên tới 209 km/h gây nguy hiểm cho tàu thuyền.

Theo dự báo bão mới nhất, bão Gilma cuối cùng sẽ tiếp cận quần đảo Hawaii của Mỹ, dự kiến đi qua phía bắc quần đảo này vào ngày 30.8. Tuy nhiên, đến lúc đó, Gilma được cho là đã suy yếu thành áp thấp với tác động nhỏ trên đường đi.

Ngược lại, ngày 25.8, bão Hone đã xuất hiện trên quần đảo Hawaii với sức gió mạnh nhất ở tâm bão khoảng 129 km/h. Mặc dù được phân loại là bão cấp 1, Hone đã gây ra tác động đáng kể do biển động với các đợt sóng mạnh cao tới 4,3 mét cũng như gió giật khoảng 96 km/h.

Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất là lũ quét và lở đất trên các sườn dốc. Các trạm dự báo thời tiết ở phía đông Đảo Lớn của Hawaii báo cáo lượng mưa là 110 mm trong vòng sáu giờ kể từ 21h ngày 24.8. Nhiều trạm ghi nhận lượng mưa lớn khoảng 250 mm trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ khi bắt đầu mưa và một trạm ở Mountain View, nằm ở phía đón gió của hòn đảo, ghi nhận lượng mưa 350 mm - gần gấp ba lần lượng mưa trung bình hàng tháng trong tháng 8.

Trong khi hai cơn bão đang di chuyển ở phía đông bắc Thái Bình Dương, thì bão Shanshan dự kiến đổ bộ Nhật Bản trong ngày hôm nay (27.8).

This browser does not support the video element.

Tâm bão Shanshan. Nguồn: Zoom Earth

Trung tâm cảnh báo bão liên hợp Mỹ (JTWC) và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ước tính sức gió mạnh nhất gần tâm bão vào khoảng 139-148 km/h khi đổ bộ vào tỉnh Kagoshima ở mũi phía nam đảo Kyushu.

Khả năng hủy diệt của những cơn gió này gây ra mối đe dọa đáng kể đối với cơ sở hạ tầng khi cơn bão đổ bộ. Lượng mưa lớn kèm theo cũng đáng lo ngại không kém, một số mô hình khí tượng dự đoán lượng mưa hơn 300 mm vào khoảng ngày 29.8, làm tăng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt ở các vùng miền núi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn