MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ bạo hành đang thu hút sự quan tâm lớn của công chúng Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Báo Hàn nói vụ chồng bạo hành vợ Việt là "hồi chuông cảnh tỉnh"

Hải Anh LDO | 09/07/2019 18:36
Tờ Korea Herald mới đây có bài luận cho rằng, sự phẫn nộ của công chúng trong vụ chồng Hàn Quốc bạo hành vợ Việt là lời cảnh báo quan chức chính phủ và các nhà lập pháp nước này về sự cần thiết phải đưa ra các biện pháp bảo vệ quyền lợi của những người phụ nữ di dân theo diện kết hôn.

Tờ báo bày tỏ sự thất vọng khi có ít quan chức và nghị sĩ Hàn Quốc thực sự nhìn nhận nghiêm túc về vụ bạo hành đã gây ra làn sóng phẫn nộ với công chúng ở cả Hàn Quốc và Việt Nam sau khi đoạn video về vụ bạo hành phát tán rộng rãi trên mạng internet và mạng xã hội.

Thủ tướng Lee Nak-yon và lãnh đạo cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc - Tướng Min Gab-ryong là một trong số vài quan chức lên tiếng về vụ việc, trong đó đều bày tỏ lấy làm tiếc và cam kết sẽ điều tra thấu đáo vụ việc.

Korea Herald lập luận, việc hai chính trị gia nói trên đề cập tới vụ việc khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm đến thăm Hàn Quốc vào thời điểm ngay sau khi vụ bạo hành xảy ra là điều khá hợp lẽ. "Điều không hợp lý trong vụ việc này là, bất chấp sức nặng của nó, không thu hút sự chú ý tương tự từ Bộ Gia đình và Bình đẳng giới cũng như số lượng lớn các cơ quan chính phủ, các tổ chức và các nhà lập pháp liên quan tới quyền con người" – tác giả bài bình luận viết.

Vụ bạo hành gia đình, xảy ra tại nhà của cặp đôi ở Yeongam, tỉnh Nam Jeolla hôm 4.7 "xứng đáng nhận được sự quan tâm đúng mức của các quan chức và nhà hoạt động liên quan".

Tờ báo nhấn mạnh về tính chất và hậu quả của vụ bạo hành. Cụ thể, đoạn video dài 153 giây cho thấy, người chồng Hàn Quốc đấm và đá vợ trong khi cậu con trai mới chập chững biết đi đang khóc cạnh đó. Theo cảnh sát, vụ bạo hành kéo dài tới 3 tiếng và người chồng 36 tuổi khi đó đang say xỉn. Anh này nói rằng đánh vợ vì vợ không nói tiếng Hàn tốt.

Người vợ bị gãy xương sườn và có những chấn thương khác đòi hỏi phải có tới 4 tuần điều trị mới phục hồi. Tờ báo còn cho biết, người vợ nói với cảnh sát rằng "chồng thường xuyên đánh đập cô như một bao cát đấm bốc".

Vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng khi một trong những người quen của cô đăng đoạn video được ghi lại lên mạng xã hội. Theo cảnh sát, nạn nhân đã ghi lại đoạn video này bằng điện thoại của cô.

Korea Herald cho hay, các dòng thông tin về nam giới sở tại lạm dụng những người vợ di dân là không hiếm, nhưng vụ bạo hành mới nhất trở nên đáng chú ý hơn bởi "những hình ảnh sống động về bạo lực".

"Vụ việc ở Yeongam nhắc nhở tất cả chúng ta, đặc biệt là các quan chức chính phủ và các nhà lập pháp, rằng sự xôn xao của công chúng có thể tồn tại trong thời gian ngắn như các vụ án khác gây sốc trước đó, đất nước này, với tư cách là một chỉnh thể, nên làm gì đó để tự vấn và giải quyết vấn đề" - tác giả bài viết lưu ý.

Theo đó, việc bảo vệ quyền của người nhập cư, trong đó có cả người lao động và những người phụ nữ đến Hàn Quốc theo con đường hôn nhân quốc tế, "nên trở thành ưu tiên quốc gia khi các gia đình đa văn hóa đang dần mở rộng".

Dẫn số liệu của chính phủ về sự phát triển của hôn nhân đa sắc tộc và sự tăng cường hiện diện của người nước ngoài cũng như số liệu cụ thể số phụ nữ nhập cư vào Hàn Quốc qua hôn nhân, tờ báo cho biết: "Nhiều người trong số họ dễ bị vi phạm các quyền lợi bởi Hàn Quốc vẫn là một xã hội gia trưởng, nam giới chiếm đa số cũng như có xu hướng coi thường những lao động nhập cư hoặc vợ/chồng từ các quốc gia kém phát triển hơn".

Khảo sát năm 2017 trên 920 phụ nữ nhập cư theo diện kết hôn do Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc tiến hành cho thấy, 42,1% số người được hỏi bị bạo lực gia đình. Trong khi đó, khảo sát năm 2016 của Bộ Gia đình và Bình đẳng giới nước này, trung bình 12,1% những người vợ Hàn Quốc bị bạo hành.

Tác giả bài viết nói rằng, ngay cả khi không có những con số so sánh này cũng có thể nhận thấy rằng những người vợ sinh ra ở nước ngoài dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình hơn phụ nữ Hàn Quốc vì họ bị tách khỏi gia đình họ, có thị thực nhờ sự bảo lãnh của chồng họ và vấp phải rào cản về khác biệt ngôn ngữ, văn hóa.

Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, nên sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và đối tượng để kết hôn ngày càng nghiêm trọng, điều này đồng nghĩa với việc Hàn Quốc sẽ phải phụ thuộc vào dân số sinh ở nước ngoài. Do vậy, cần có các biện pháp để bảo vệ những người lao động và các gia đình đa văn hóa.

"Vụ án Yeongam giống như hồi chuông cảnh tỉnh cho chính phủ và Quốc hội trong việc thực hiện các chính sách mới và các sáng kiến lập pháp về vấn đề này" – Korea Herald nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn