MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel nhằm vào tòa tháp dân cư ở thành phố Gaza, ngày 7.10.2023. Ảnh: Xinhua

Bạo lực đẫm máu nhất ở Israel và Dải Gaza trong 50 năm

Song Minh LDO | 09/10/2023 06:25

Ngày 7.10.2023 trở thành ngày bạo lực đẫm máu nhất ở Israel kể từ cuộc chiến Yom Kippur (chiến tranh Arab - Israel lần thứ tư) 50 năm trước.

Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh

Khoảng 6h30 sáng giờ địa phương ngày 7.10, còi báo động đã vang lên ở Tel Aviv, Beer Sheba và nhiều địa điểm khác khi tên lửa bay qua Israel. Các tay súng thuộc phong trào Hamas của Palestine từ Gaza đã tiến vào lãnh thổ Israel bằng đường bộ, đường biển và đường không.

CNN dẫn thông tin từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, khoảng 2.200 quả rocket đã được bắn vào Israel. Hamas đưa ra con số là 5.000.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ cứu hộ khẩn cấp Israel, ít nhất 200 người Israel đã thiệt mạng và 1.452 người bị thương. Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine cho biết, 232 người Palestine ở Gaza đã thiệt mạng và 1.697 người bị thương.

Theo một phát ngôn viên của IDF, tính đến 1h30 ngày 8.10 (giờ địa phương), lực lượng này vẫn đang giao tranh với Hamas ở một số vùng phía nam Israel.

Chỉ huy quân sự Hamas Muhammad Al-Deif gọi chiến dịch này là “Cơn bão Al-Aqsa”, tuyên bố rằng, cuộc tấn công vào Israel là phản ứng trước các cuộc tấn công nhằm vào phụ nữ, hành vi xúc phạm nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem và cuộc bao vây Gaza đang diễn ra.

Để đáp trả cuộc tấn công, Israel đã phát động “Chiến dịch Thanh kiếm sắt”, tấn công một số mục tiêu ở Dải Gaza. Trong phát biểu mới nhất, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố tình trạng chiến tranh, cam kết Hamas sẽ “phải trả giá đắt”.

“Chúng tôi sẽ chiến đấu không ngừng nghỉ cho đến khi giành chiến thắng" - ông Netanyahu nói.

Xung đột âm ỉ hàng thập kỷ

Căng thẳng giữa Israel và người Palestine đã tồn tại từ trước khi thành lập quốc gia này vào năm 1948. Hàng nghìn người ở cả hai bên đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong cuộc xung đột âm ỉ kéo dài giữa hai bên trong vài thập kỷ qua.

Bạo lực đặc biệt gia tăng trong năm nay. Số người Palestine - dân quân và dân thường - thiệt mạng ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng đang ở mức cao nhất trong gần hai thập kỷ. Điều tương tự cũng diễn ra với người Israel và người nước ngoài - hầu hết là dân thường - thiệt mạng trong các cuộc tấn công của phía Palestine.

Hamas là nhóm chiến binh của Palestine đang kiểm soát Dải Gaza, một vùng đất ven biển đông dân Palestine và là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người. Israel và Hamas đã tham gia vào xung đột vũ trang ngay từ cuộc nổi dậy Intifada đầu tiên của người Palestine năm 1987, chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Dải Gaza và Bờ Tây.

Trước cuộc giao tranh ngày 7.10.2023, cuộc chiến cuối cùng giữa Hamas và Israel là vào năm 2021, kéo dài 11 ngày và khiến ít nhất 250 người ở Gaza và 13 người ở Israel thiệt mạng.

Cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7.10 là chưa từng có trong lịch sử gần đây về quy mô và phạm vi, rơi vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến tranh 1973, trong đó các quốc gia Arab tấn công Israel vào đúng Lễ đền tội Yom Kippur - ngày linh thiêng nhất trong lịch Do Thái.

Cựu phát ngôn viên quốc tế của IDF, Jonathan Conricus, mô tả cuộc tấn công bất ngờ lớn như một “khoảnh khắc Trân Châu Cảng” đối với Israel.

Phản ứng của thế giới

Reuters cho hay, ngày 8.10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập phiên họp khẩn về tình hình Israel. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả nỗ lực ngoại giao nhằm tránh xung đột lan rộng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tuyên bố Washington cực lực lên án cuộc tấn công vào Israel, đồng thời cam kết sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp cho chính phủ và người dân Israel.

Saudi Arabia cho biết, đang theo dõi chặt chẽ tình hình chưa từng có và kêu gọi cả hai bên ngừng ngay lập tức leo thang. UAE - quốc gia công nhận Israel vào năm 2020 - cũng kêu gọi kiềm chế tối đa và ngừng bắn ngay lập tức để tránh những hậu quả nguy hiểm.

Ngày 8.10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đảm bảo an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn