MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện tượng cực quang trên Trái đất do bão Mặt trời gây ra, ảnh chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Ảnh: NASA

Bão Mặt trời đang đổ bộ Trái đất, gây ra hiện tượng ảo diệu trên bầu trời

Bảo Châu LDO | 28/09/2021 08:05

Một cơn bão Mặt trời đổ bộ Trái đất, gây ra hiện tượng cực quang nhảy múa trên bầu trời ở khu vực Bắc Mỹ.

LiveScience đưa tin, một cơn bão Mặt trời mức độ vừa phải đổ bộ vào Trái đất có khả năng gây ra hiện tượng cực quang nhảy múa trên bầu trời ở vĩ độ thấp hơn nhiều so với bình thường. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, cực quang hay còn gọi là đèn Bắc Cực có thể xuất hiện vào đêm 27.9 ở miền bắc nước Mỹ, bao gồm New York, Wisconsin và Washington.

Bão Mặt trời được tạo thành từ một lượng lớn các hạt tích điện và plasma từ Mặt trời phóng ra khắp không gian, có thể gây ra gián đoạn vệ tinh và một số "biến động lưới điện" ở vĩ độ cao, đặc biệt là trên vĩ tuyến 55 về phía bắc, chạy qua Canada, Bắc Ireland và phần lớn nước Nga, theo NOAA.

Tuy nhiên, cơn bão Mặt trời lần này vẫn tương đối yếu, được xếp hạng là cơn bão cấp G2 trên thang năm cấp, trong đó G5 là cơn bão có mức độ nghiêm trọng nhất. Theo NOAA , chỉ những cơn bão cấp G4 trở lên mới có khả năng gây ra mất điện trên diện rộng.

Bão mặt trời là một dạng thời tiết không gian phổ biến, xảy ra khi các vụ phun trào nhật hoa (CME) quanh xích đạo Mặt trời thoát ra khỏi bầu khí quyển ngoài cùng của Mặt trời với tốc độ cực lớn sau đó lao vào lá chắn từ trường của Trái đất. Theo NOAA, phải mất khoảng 15 giờ đến 18 giờ để CME để đến được Trái đất sau khi thoát khỏi mặt trời. 

NOAA cho biết có tới 4 CME có thể tác động đến Trái đất trong khoảng thời gian này nhưng mức độ đến đâu còn phụ thuộc vào cường độ của CME.

Theo dự báo, cơn bão Mặt trời lần này không gây tác động lớn. Các chùm hạt và plasma của Mặt trời đâm xuyên vào từ trường của Trái đất, trượt dọc theo đường sức từ trường của hành tinh chúng ta về phía các cực. Trên đường di chuyển, chúng sẽ va chạm với các phân tử khí quyển và giải phóng ra năng lượng dưới dạng ánh sáng, phát sáng thành các dải màu đỏ, xanh lá cây, xanh lam và vàng tuyệt đẹp. Đây chính là cực quang.

Nhìn chung, khi cơn bão càng mạnh, thì các cực quang thu được ở vĩ độ thấp càng được quan sát rộng rãi hơn. Thậm chí những cơn bão cấp G5 mạnh nhất còn có thể gây ra tác động nghiêm trọng hơn rất nhiều. Một cơn Mặt trời xảy ra năm 1859, còn được gọi là ''Sự kiện Carrington'' đã tấn công từ quyển của Trái đất nghiêm trọng đến mức khiến dây điện báo bốc cháy. Một cơn bão khác, đổ bộ vào tháng 3.1989, đã làm tỉnh Quebec của Canada chìm trong bóng tối suốt 9 giờ vì mất điện đồng thời cũng là nguyên nhân gây mất điện trên khắp Bắc Mỹ.

Theo dự đoán của NOAA, cơn bão Mặt trời đêm 27.9 không thể so sánh với những thảm họa trong quá khứ, nhưng sẽ không phải là trận bão cuối cùng trên Trái đất. Mặt trời đang tiến đến chu kỳ cực đại - thời điểm hoạt động tích cực nhất trong chu kỳ 11 năm của nó. Trong giai đoạn cực đại, từ trường của Mặt trời trong trạng thái mạnh nhất, dẫn đến ngày càng xuất hiện nhiều cơn bão Mặt trời có cấp độ lớn hơn. 

NASA cho biết, hoạt động của Mặt trời được dự đoán sẽ tăng dần cho đến tháng 7.2025, sau đó sẽ chậm lại và tiến tới mức cực tiểu trong chu kỳ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn