MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm chip của hãng Intel (Mỹ) trưng bày tại lễ khai trương Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn

Báo thế giới đánh giá cao Việt Nam trong đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn

Song Minh LDO | 12/02/2024 07:06

Việt Nam đã vạch ra những định hướng rõ ràng, cụ thể cùng các kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn - tờ Borneo Bulletin của Brunei đưa tin.

Định vị chiến lược cho sự gia tăng đầu tư vào chất bán dẫn

Việt Nam đang định vị chiến lược cho sự gia tăng đầu tư vào chất bán dẫn bằng cách tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, thực hiện các cơ chế chính sách, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng chiến lược và đào tạo lực lượng lao động lành nghề - tờ báo viết.

Được công nhận trên toàn cầu là một ngành quan trọng, lĩnh vực bán dẫn đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng đáng kể, với việc thị trường toàn cầu hướng tới cột mốc quan trọng là 1 nghìn tỉ USD vào năm 2030.

Việt Nam đã vạch ra những định hướng rõ ràng, cụ thể cùng các kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn.

Là một quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sôi động, những tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam trong nền kinh tế kỹ thuật số và sự tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ cao đã thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn toàn cầu, lôi kéo họ đầu tư vào ngành bán dẫn đang phát triển mạnh.

Tờ Borneo Bulletin viết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 2024 đã trình bày chi tiết về những nhiệm vụ quan trọng được giao cho các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam.

Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và hợp tác với hai tập đoàn thiết kế chip lớn nhất Mỹ là Synopsys và Cadence để thành lập một trung tâm nghiên cứu và thiết kế chip trong cơ sở của NIC.

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thế Đại

Sự chuẩn bị của các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng. Cải thiện cơ sở hạ tầng đất đai cho các doanh nghiệp bán dẫn là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay ngày càng được tăng cường.

Ưu tiên cũng được đặt ra trong việc chuẩn bị các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, điện, nước và cơ sở hạ tầng xã hội cho lực lượng lao động trong ngành bán dẫn.

Những sự chuẩn bị này nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư chất bán dẫn và quyết tâm tham gia tích cực vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Việc phát triển nguồn nhân lực là thách thức hàng đầu trong ngành bán dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong giai đoạn cuối của việc thiết kế dự án phát triển nguồn nhân lực nhằm mục đích đào tạo 50.000 kỹ sư, 1.000 thạc sĩ và 100 tiến sĩ trong ngành bán dẫn vào năm 2030.

Kế hoạch này bao gồm các chương trình đào tạo tiềm năng trong nước và quốc tế. Để hiện thực hóa những mục tiêu nói trên, Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Arizona, một cơ sở đào tạo nổi tiếng chuyên về giáo dục bán dẫn ở Mỹ.

Với sự cạnh tranh ngày càng tăng của đầu tư trực tiếp nước ngoài và việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024, Việt Nam có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng chất bán dẫn.

Vẫn hấp dẫn đầu tư nước ngoài

Tờ The Star của Malaysia dự báo, các quỹ nước ngoài có khả năng quay trở lại Việt Nam vào năm 2024. Dòng vốn nước ngoài cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư cao hơn đối với thị trường Việt Nam trong bối cảnh đồng USD suy yếu.

Ngoài ra, cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trong năm 2024 sẽ là yếu tố thu hút dòng tiền ngoại.

Về trung hạn, dòng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc chuyển dịch dòng vốn sang các thị trường mới nổi.

Bloomberg cho hay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể tiếp tục tăng vì Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư trong những năm tới trong bối cảnh các công ty đang đa dạng hóa và giảm rủi ro chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Chi phí lương cạnh tranh, mạng lưới hiệp định thương mại rộng khắp và môi trường kinh doanh thuận lợi là những lợi thế quan trọng đối với kinh tế Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn