MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử chịu sức ép lớn trong bối cảnh mưa lũ liên tục ở Trung Quốc. Nguồn: Arirang News.

Báo Trung Quốc: Đập Tam Hiệp là "trường thành trên sông Dương Tử"

Hải Anh LDO | 23/07/2020 14:37
Lũ lụt ở miền nam Trung Quốc đang và sẽ được kiểm soát vì đập Tam Hiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giữ và ngăn chặn nước lũ, một chuyên gia công trình thủy hàng đầu Trung Quốc nhận định. 

Tuyến phòng thủ đầu tiên và trung tâm

Tin đồn đập Tam Hiệp vỡ thường xuất hiện hàng năm vào mùa lũ, theo Thời báo Hoàn cầu. Tờ báo này đã dẫn lời chuyên gia từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc để bác bỏ những nghi ngờ về tình hình của đập Tam Hiệp, theo cách gọi của tờ báo này là "trường thành trên sông Dương Tử". 

Kể cả lũ lụt nghiêm trọng và mưa lớn như năm nay, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử vẫn sẽ vững vàng và mạnh mẽ hơn chứ không hề biến dạng hay vỡ, tờ báo của Trung Quốc dẫn nhận định của các chuyên gia.

Wang Hao - chuyên gia Học viện Kỹ thuật Trung Quốc đồng thời là giám đốc danh dự của bộ phận thủy lợi thuộc Viện Nghiên cứu Thủy lợi và Thủy điện Trung Quốc (IWHR) chia sẻ hôm 22.7 rằng, Trung Quốc có 5 phòng tuyến trong phòng chống và kiểm soát lũ, gồm: Ngăn chặn các dòng chảy chính, kiểm soát các phụ lưu, bảo vệ đê bao, các lưu vực trữ nước lũ ở những vùng trũng thấp và quản lý phát triển đô thị dọc các con sông. 

Vắt ngang dòng chính của sông Dương Tử, đập Tam Hiệp đóng vai trò là "tuyến phòng thủ đầu tiên và trung tâm", giảm đáng kể việc nước lũ vào hạ lưu và trung lưu sông Dương Tử. Tình hình có thể tồi tệ hơn nếu không có đập Tam Hiệp, chuyên gia Wang Hao nhận định. 

Đập Tam Hiệp - dự án thủy điện khổng lồ trên sông Dương Tử - xả lũ để giảm sức ép lũ lụt cho sông Dương Tử tại Nghi Xương, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Đập Tam Hiệp đã chặn được 10,7 tỉ mét khối nước lũ tính tới ngày 21.7 với tỉ lệ chặn lũ lên tới 46,7% trong đợt lũ mới nhất, theo Tập đoàn Tam Hiệp, đơn vị vận hành dự án lớn này. 

Nước lũ mạnh cũng sẽ không dẫn tới vỡ đập Tam Hiệp khi đập có tới 23 cửa xả tràn sâu và 22 cửa xả trên bề mặt để xả lũ hiệu quả và vững chắc, theo chuyên gia Wang Hao. 

"Trận lụt lớn nhất được ghi nhận của Trung Quốc trong 2.500 năm qua diễn ra năm 1870 với dòng chảy cực đại tới 105.000 mét khối mỗi giây. Đập Tam Hiệp được thiết kế để chịu đựng dòng chảy mạnh hơn nhiều, có thể lên tới 124.300 mét khối mỗi giây" - Wang Hao cho hay. 

Ông cũng tiết lộ vẫn còn 21,1 tỉ mét khối khả năng kiểm soát lũ ở chế độ chờ tại hồ chứa đập Tam Hiệp và những nguy cơ trong lưu vực sông Dương Tử đang trong tầm kiểm soát. 

Những nơi nguy cơ hơn Đập Tam Hiệp?

Các chuyên gia cho rằng, lũ lụt ở miền nam Trung Quốc năm nay là do sự kết hợp của một số yếu tố, trong đó có áp cao cận nhiệt đới tây Thái Bình Dương, vành đai phía tây, tuyết trên cao nguyên và khí hậu toàn cầu bất thường. Do đó, chuyên gia Học viện Kỹ thuật Trung Quốc Wang Hao kêu gọi tăng cường công tác dự báo mưa và thủy văn ở lưu vực sông Hoàng Hà cũng như phối hợp hoạt động nhiều hơn nữa từ các hồ chứa ở lưu vực sông. 

Theo chuyên gia người Trung Quốc, 101 hồ chứa dọc sông Dương Tử, trong đó có hồ chứa đập Tam Hiệp, đang tham gia vào một hoạt động chung để giảm thiểu lũ lụt. Ông nói rằng, có 1.400 trạm báo cáo lũ lụt ở khu vực Tam Hiệp, thông tin về khu vực rộng 580.000km2 ở vùng thượng nguồn. Dự báo có thể trước 7 ngày và có độ chính xác của dự báo 24h đã đạt được tới 98%. 

Trước tin đồn đập Tam Hiệp biến dạng hoặc thậm chí là vỡ, ông Wang Hao lưu ý: "Đập Tam Hiệp là đập bê tông trọng lực có sự ổn định và vững chắc tốt nhất. Các vật liệu bê tông dùng để xây đập khác với bê tông thông thường khi có tính bền và chống nứt cao hơn. Tro bay đặc biệt cùng các vật liệu khác vẫn đang trải qua phản ứng thủy hóa, qua đó tiếp tục củng cố độ bền lõi. Đập sẽ đạt độ bền cao nhất trong 100 năm, sau đó mới dần yếu đi".

Một số nhà quan sát cho rằng, thay vì tập trung vào đập Tam Hiệp, cần chú ý nhiều hơn đến nguy cơ vỡ các con đập nhỏ hơn dọc theo các phụ lưu của sông Dương Tử. Thời báo Hoàn cầu dẫn thông tin từ một chuyên gia kỹ thuật thủy lực cho biết, 80% trong tổng số 98.000 đập ở Trung Quốc xây dựng trước năm 1958. Đê bao của những con đập này thấp hơn mức tiêu chuẩn với năng lực kiểm soát lũ yếu, đòi hỏi phải được sàng lọc nguy cơ và gia cố kỹ thuật. Trong số 42 khu vực chứa nước lũ ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử, 9 đê bao vẫn chưa được gia cố và nhiều phần của một số đê bao vẫn chưa xây dựng xong. 

Tình hình mưa lũ ở Trung Quốc được dự báo là sẽ không giảm bớt đáng kể trong tuần tới khi mưa lớn dự kiến tiếp tục xảy ra ở thượng nguồn sông Dương Tử. Nếu gió mùa mạnh lên và vành đai mưa dịch chuyển về hướng bắc, mưa lớn sẽ di chuyển về phía thượng nguồn sông Hoàng Hà, giảm lũ cho sông Dương Tử, chuyên gia Wang nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn