MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe cộ bị thiêu rụi ở Lahaina, Hawaii. Ảnh: AP

Bão vừa hình thành đã khiến ít nhất 55 người thiệt mạng

Khánh Minh LDO | 11/08/2023 19:00

Gió từ bão Dora là nguyên nhân khiến các đám cháy rừng thảm khốc lan rộng trên đảo Maui ở Hawaii (Mỹ) làm ít nhất 55 người thiệt mạng.

Cơn bão có tên quốc tế là Dora xuất phát tại khu vực Đông Thái Bình Dương, dự kiến đi vào khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương vào ngày 12.8 và trở thành cơn bão thứ 8 hoạt động trong năm 2023 ở khu vực này.

Bão Dora xuất phát từ một vùng áp thấp ở khu vực trung của Châu Mỹ. Áp thấp sau đó đi vào khu vực Đông Thái Bình Dương và phát triển thành bão.

Theo AP, sức gió 128 km/h từ bão Dora là một trong những nguyên nhân khiến các đám cháy rừng lan rộng trên đảo Maui ở Hawaii. Trong khi đó, hệ thống báo động khẩn cấp dường như không hoạt.

Honolulu, Hawaii nằm trong vùng ảnh hưởng của gió từ bão Dora. Ảnh: AcuWeather

Số người chết vì cháy rừng ở Maui, Hawaii (Mỹ) tính đến ngày 11.8 đã lên tới ít nhất 55 người và có thể còn tăng, phục hồi phải mất nhiều năm.

Những cư dân Maui tuyệt vọng thoát khỏi ngọn lửa đã hỏi tại sao còi báo động khẩn cấp của Hawaii không hoạt động khi đám cháy lan về phía nhà của họ. Theo các hồ sơ quản lý tình trạng khẩn cấp của Hawaii, không có dấu hiệu nào cho thấy, hệ thống cảnh báo cháy đã được kích hoạt.

Hawaii tự hào có hệ thống cảnh báo an toàn công cộng ngoài trời đơn lẻ lớn nhất trên thế giới, với khoảng 400 còi báo động được bố trí trên khắp chuỗi đảo. Nhưng nhiều người sống sót ở thị trấn lịch sử Lahaina - trung tâm du lịch và kinh tế của Maui ở phía tây của hòn đảo - cho biết, họ không nghe thấy bất kỳ tiếng còi báo động nào và chỉ nhận ra mình đang gặp nguy hiểm khi nhìn thấy ngọn lửa hoặc nghe thấy tiếng nổ gần đó.

Xe cộ bị thiêu rụi ở Lahaina, Hawaii. Ảnh: AP

Ông Thomas Leonard - một người đưa thư đã nghỉ hưu 70 tuổi ở Lahaina - không biết về đám cháy cho đến khi ông ngửi thấy mùi khói. Cả dịch vụ điện và điện thoại di động đều đã ngừng hoạt động vào đầu ngày hôm đó, khiến thị trấn không có thông tin thời gian thực về mối nguy hiểm. Ông cố gắng rời đi bằng xe Jeep, nhưng phải bỏ xe và chạy ra biển khi những chiếc ôtô gần đó bắt đầu phát nổ.

Người phát ngôn của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Hawaii, Adam Weintraub, lưu ý, hồ sơ của cơ quan này không cho thấy, còi báo động của Maui được kích hoạt vào ngày 8.8. Thay vào đó, các cảnh báo khẩn cấp được gửi qua điện thoại di động, tivi và đài phát thanh. Không rõ những cảnh báo đó có được gửi trước khi mất điện trên diện rộng và sự cố mất điện thoại di động đã cắt đứt hầu hết liên lạc với Lahaina hay không.

Giữa mùa hè khô hạn và gió mạnh từ một cơn bão đi qua, các vụ cháy bùng phát từ ngày 8.8 khiến Maui bất ngờ, nhanh chóng bén vào những bụi cây khô cằn bao phủ hòn đảo và sau đó thiêu rụi nhà cửa và bất cứ thứ gì khác nằm trên đường đi của nó.

Sáng 10.8, Thống đốc Hawaii Josh Green cho hay, có tới 1.700 tòa nhà có thể đã bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn và có vẻ như "khoảng 80% Lahaina đã biến mất".

This browser does not support the video element.

Cháy thiêu rụi nhà cửa ở Maui, Hawaii. Video: Twitter @Oneindia

Cháy rừng đã là thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất của Hawaii kể từ trận sóng thần năm 1960, khiến 61 người thiệt mạng. Đợt cháy lần này cũng là vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở Mỹ kể từ vụ cháy Camp Fire năm 2018 ở California, khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và tàn phá thị trấn Paradise.

Nguy cơ cháy rừng ở Lahaina đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Kế hoạch giảm thiểu rủi ro của Maui - được cập nhật lần cuối vào năm 2020 - đã xác định Lahaina và các cộng đồng khác ở Tây Maui là nơi thường xuyên xảy ra cháy rừng và một số lượng lớn các tòa nhà có nguy cơ bị thiệt hại do cháy rừng.

Các tòa nhà bị phá hủy bởi trận cháy rừng ở Lahaina, Hawaii, ngày 10.8.2023. Ảnh: CNN

Bobby Lee - Chủ tịch Hiệp hội cứu hỏa Hawaii - cho biết, Hawaii chỉ có tối đa 65 lính cứu hỏa làm việc tại bất kỳ thời điểm nào ở Maui và họ chịu trách nhiệm chữa cháy trên ba hòn đảo - Maui, Molokai và Lanai.

Các đội cứu hỏa có khoảng 13 xe chữa cháy và hai xe thang, nhưng tất cả chúng đều được thiết kế để sử dụng trên đường bình thường, không có bất kỳ xe nào dùng cho những địa hình hiểm trở.

Điều đó có nghĩa là các đội cứu hỏa không thể chữa cháy triệt để trước khi các đám cháy tiếp cận các con đường hoặc khu vực đông dân cư. Những cơn gió lớn do cơn bão Dora gây ra khiến việc chữa cháy càng trở nên vô cùng khó khăn.

“Về cơ bản, bạn đang đối phó với một ngọn đuốc. Phải cẩn thận, nếu không sẽ bị cuốn vào ngọn lửa” - Bobby Lee nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn