MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần 1.500 công ty chuyển trụ sở khỏi Catalonia. Ảnh: Getty

Bất hòa sâu sắc trong cuộc tranh luận về tự trị Catalonia

HÀ LIÊN LDO | 27/10/2017 10:00

Catalonia dường như đang chuyển sang đối đầu trực diện với Tây Ban Nha. Hôm 25.10 lãnh đạo ly khai Catalonia từ chối lời đề nghị phát biểu trước các nhà lập pháp Madrid về lời đe dọa đơn phương ly khai.

Động thái của Thủ hiến Catalonia - ông Carles Puigdemont - khiến nguy cơ Tây Ban Nha thay thế chính quyền Catalonia và nắm quyền kiểm soát các cơ quan chính quyền, cảnh sát và tài chính là khó tránh khỏi.

Theo AFP, ông Carles Puigdemont được cho là đang cân nhắc hai phương án: Tuyên bố độc lập hoặc kêu gọi bầu cử sớm để thành lập Nghị viện Catalonia mới - lựa chọn duy nhất có thể giữ khoảng cách với Madrid.

Cho tới chiều 25.10, cả hai phía vẫn tiếp tục kiên quyết giữ lập trường của mình. “Chính phủ không cho chúng tôi bất kỳ lựa chọn nào ngoài việc bảo vệ quyền tự do dân sự của công dân thông qua các công cụ thể chế tốt nhất” - phó lãnh đạo xứ Catalonia, Oriol Junqueres, phát biểu trên truyền hình Tây Ban Nha. Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Rafael Catala kiên quyết cho rằng, tuyên bố độc lập của Catalonia “sẽ không có giá trị pháp lý”, mặc dù nó sẽ kéo theo “nhiều hậu quả từ góc độ hình sự”.

Chỉ còn hai ngày nữa trước khi Thượng viện, Đảng Nhân dân (PP) của Thủ tướng Mariano Rajoy nắm giữ đa số, phê chuẩn các biện pháp tước bỏ vị trí và các quyền hành pháp của ông Carles Puigdemont nếu ông này tuyên bố thành lập nước cộng hòa Catalonia.

Các biện pháp này nằm trong Điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha - chưa từng được kích hoạt trước đây, sẽ có hiệu lực từ ngày 28.10 và kéo dài 6 tháng - cho đến khi bầu cử được tiến hành và Nghị viện Catalonia mới tuyên thệ nhậm chức.

Thủ tướng Mariano Rajoy nhấn mạnh hôm 25.10 rằng, việc kích hoạt Điều 155 là “phản ứng duy nhất có khả năng” để đáp trả việc thúc đẩy ly khai của Catalonia. Trong khi đó, Thủ hiến Catalonia tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy việc giành quyền tự trị.

Nghị viện Catalonia có 135 thành viên, trong đó ủng hộ ly khai chiếm đa số. Nhiều người lo ngại lực lượng này có thể bỏ phiếu nhất trí tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha. Dù vậy, trong nội bộ nội các của ông Carles Puigdemont cũng có những ý kiến trái chiều, thúc giục ông tránh đụng độ toàn diện với Madrid bằng cách kêu gọi cuộc bầu cử Nghị viện Catalonia sớm, một nguồn tin chia sẻ với AFP.

Trong khi đó, người dân Catalonia bị chia rẽ sâu sắc về việc ly khai khỏi Tây Ban Nha. Chỉ có khoảng 43% số cử tri đủ tiêu chuẩn trong tổng số khoảng 2,3 triệu đã tham gia trưng cầu dân ý ủng hộ độc lập hôm 1.10 của Catalonia. Chính quyền Tây Ban Nha bác bỏ cuộc bỏ phiếu trên và tuyên bố hành động này vi hiến. Các nhóm ủng hộ ly khai mang theo biểu ngữ có nội dung “độc lập, không lùi bước, tự do” tuần hành hôm 26.10 tại văn phòng hành pháp Catalonia - Generalitat, để thúc đẩy tiến trình thành lập cộng hòa Catalonia độc lập. Tương tự, cuộc tuần hành chống ly khai dự kiến diễn ra ngày 29.10 tại Barcelona.

Các nhà quan sát lo ngại sự chao đảo sẽ gây ra bất ổn ở khu vực chiếm 16% dân số và 20% sản lượng kinh tế Tây Ban Nha. Lượng du khách sụt giảm và gần 1.500 công ty chuyển trụ sở khỏi khu vực kể từ cuộc trưng cầu dân ý. Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis De Guindos cho hay, cuộc khủng hoảng khiến Madrid giảm dự báo tăng trưởng năm tới của nền kinh tế lớn thứ tư khu vực đồng euro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn