MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga dự định xây trạm vũ trụ riêng. Ảnh: Roscosmos

“Bật mí” kế hoạch xây trạm vũ trụ riêng của Nga

Nguyễn Quang (Theo svpressa.ru) LDO | 07/09/2021 14:45
Tổng công ty tên lửa vũ trụ RSC Energia đã bắt đầu lập bản thiết kế dự thảo Trạm vũ trụ Nga.

Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn về việc xây dựng trạm mới và việc Nga rút khỏi dự án Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Sớm có quyết định xây dựng trạm vũ trụ Nga

Theo cựu phi hành gia Vladimir Soloviev - nhà thiết kế chính của Trạm dịch vụ quỹ đạo Nga (ROSS) - các nghiên cứu của dự án đang được thực hiện. Các kỹ sư đang hy vọng khoản tài trợ cho công việc này sẽ mở ra vào năm 2022. Các module của trạm mới có thể sẽ được phóng lên bằng tên lửa Angara vào năm 2027, khi cơ sở hạ tầng tại sân bay vũ trụ Vostochny hoàn tất.

Trạm vũ trụ quốc gia sẽ trở thành một giải pháp thay thế cho trạm ISS của Nga, vì nguồn dự trữ của nó sẽ sớm cạn kiệt. Ông Solovyov nói: “Chúng tôi cần phải bay trên trạm ISS cho đến năm 2028-2029 để trong vòng 2 năm có thể đóng “kết nối” giữa việc hoàn thành sứ mệnh của ISS và bắt đầu hoạt động của trạm mới”.

Trong khi đó, các khoản đã được phân bổ chỉ có thể hỗ trợ các trạm vũ trụ của Nga cho đến năm 2025.

Cho đến nay, thông tin về ROSS đang trái ngược nhau. Module năng lượng được xây dựng để có thể hoạt động cả trên ISS lẫn ROSS. Có thể một quyết định cơ bản về mức độ ưu tiên của trạm vũ trụ quốc gia sẽ được Tổng thống Vladimir Putin công bố trong vài ngày tới trong chuyến thăm của ông tới sân bay vũ trụ Vostochny.

Theo người đứng đầu Viện Chính sách Không gian, Ivan Moiseev, hiện chưa có đủ nhiệm vụ cho hoạt động của trạm quỹ đạo riêng của Nga.

Trạm ISS của Nga, hoạt động từ năm 1998 đến nay, chưa được sử dụng hết công suất. Các thí nghiệm đang được thực hiện ở đó là những thí nghiệm cũ và không quan trọng lắm. Và trên trạm cũng chưa có chương trình nào khác.

Do đó, chỉ cần tạo ra một trạm mới khi đã hiểu rõ về những gì sẽ được thực hiện trên đó. Bởi vì, việc xây dựng trạm vũ trụ là rất lâu dài và tốn kém.

Không giống như Nga, Mỹ dự định sẽ bay trên ISS cho đến năm 2030, nên đã thay đổi mục tiêu chính của mình. Hiện họ đang nhắm mục tiêu vào lĩnh vực thương mại và khá thành công. Nghĩa là, họ sẽ cải tổ lại trong quá trình sử dụng.

Còn ở Nga thì chưa thấy điều này. Nga cũng đã từng có những khách du lịch vũ trụ, nhưng từ năm 2009 không còn ai bay nữa. Có một số khách du lịch Nhật đang chuẩn bị bay, nhưng đây chỉ là những kế hoạch ngẫu nhiên chứ không mang tính hệ thống.

Vì vậy, bước đầu tiên là hình thành khái niệm về một trạm mới. Hiện tại, dự án chỉ đang ở giai đoạn sơ khai dưới dạng bản vẽ. Thông tin về sự phát triển của dự án đã được gửi đến chính phủ.

Phi hành gia Nga chuẩn bị cho chuyến đi bộ ngoài không gian trên ISS, tháng 11.2020. Ảnh: NASA

Lý do Nga nên xây trạm vũ trụ riêng

ISS chắc chắn sẽ đến lúc cạn kiệt nguồn, điều đó có nghĩa là Nga nên nghĩ về một trạm mới. Người ta nói rằng, các nhà du hành vũ trụ sẽ có thể sống trên ROSS "trên cơ sở quay vòng".

Các khía cạnh quân sự và chính trị của chương trình không gian quốc gia đã được chuyên gia quân sự Alexei Leonkov giải thích.

ISS là biểu tượng của hợp tác quốc tế trong không gian. Người Mỹ đang định hình các quy tắc mới. Họ đã đưa ra dự án Artemis mà các nước NATO đã ký kết. Họ sẽ tạo ra chương trình không gian của riêng họ, trạm quỹ đạo của riêng họ với mục đích quan sát mặt trăng.

Nga không được mời tham gia dự án này. Do đó, dù muốn hay không, Nga cũng cần tạo một trạm riêng cho mình.

Về vấn đề này, thật hợp lý khi nhìn vào kinh nghiệm của Trung Quốc, nước đã tạo ra trạm vũ trụ của riêng mình và đang vận hành nó thành công. Nếu tính về số lần phóng tàu có người lái tới đó và các thí nghiệm được thực hiện ở đó, Trung Quốc đang đi theo con đường quen thuộc của Liên Xô. Họ đã gửi thiết bị lên mặt trăng, và tới sao Hỏa, và họ chuẩn bị gửi thiết bị đến sao Kim. Mọi thứ đang phát triển rất năng động.

Mỹ đang đặt cược vào các chương trình không gian, kể cả trong lĩnh vực vũ khí. Việc quân sự hóa ngoài không gian được ghi nhận trong chiến lược quốc gia tương ứng của họ. Điều đó nêu rõ rằng các kế hoạch sẽ được phát triển và chúng sẽ đạt được, chỉ có nhanh hay chậm.

Sớm muộn gì thì Nga cũng sẽ phải đối mặt với thực tế là không ai cần đến phương tiện phóng của Nga. Mỹ sẽ tiếp tục ép giá. ISS có thể rơi vào năm 2025 - nó sẽ được tháo rời các bộ phận và hạ xuống khỏi quỹ đạo.

Khi Mỹ và Trung Quốc có được công nghệ hàng không vũ trụ, chi phí phóng trọng tải có ích sẽ giảm 20 lần. Và khi đó Nga sẽ mất thị trường phóng tên lửa vũ trụ. Mặc dù Nga đã từng là những người đầu tiên đi theo hầu hết các hướng trong không gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn