MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Bashar al-Assad nhận được sự ủng hộ ngoại giao và quân sự từ Nga và Iran. Ảnh: Reuters

"Bật mí" lý do Tổng thống Assad trụ vững sau 7 năm chiến tranh Syria

Vân Anh LDO | 16/04/2018 11:38
Tổng thống Bashar al-Assad vẫn trụ được sau 7 năm xung đột tàn phá hầu hết đất nước Syria, bất chấp những áp lực quốc tế buộc ông ra đi.

Tờ Al Jazeera liệt kê một số lý do khiến ông Assad tồn tại vững vàng.

Hỗ trợ của nước ngoài

Mùa hè năm 2012, một vụ nổ bom ở trung tâm Damascus làm nhiều quan chức cao cấp Syria thiệt mạng, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Assef Shawkat - em rể của ông Assad. Phiến quân nói chiến thắng đã rất gần. Chỉ huy Quân đội Syria Tự do (FSA) đối lập tuyên bố quân đội Syria sụp đổ hoàn toàn.

Vào khoảng thời gian này, Iran tăng cường can thiệp vào Syria, cung cấp đào tạo, những chỉ huy có kinh nghiệm và lực lượng dân quân Shia. Báo chí Iran cho biết, số lượng chiến binh Tehran cung cấp cho chính quyền Damascus lên đến hàng chục nghìn người.

Đối với Iran, Tổng thống Assad là một đồng minh quan trọng và then chốt để bảo vệ lợi ích của họ trong khu vực.

Nhưng nếu sự đóng góp của Iran chủ yếu dưới hình thức trên mặt đất, thì Nga mới là nước hỗ trợ Syria lớn nhất.

Bắt đầu từ tháng 9.2015, Nga tiến hành các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu khủng bố ở Syria. Chiến dịch không kích giúp Syria giải phóng Aleppo và Đông Ghouta.

Phiến quân chia rẽ

Ông Assad được hưởng lợi từ sự chia rẽ trong nội bộ phiến quân, khi FSA tách thành các phe phái đối nghịch và các nhóm cứng rắn hơn đứng lên chống chính phủ.

Các nhóm đối lập lúc đầu ủng hộ IS, nhưng nhanh chóng phát hiện ra là họ chiến đấu chống lại chính IS, do đó hút các nguồn lực và chiến binh khỏi chiến dịch chống Assad.

IS thắng tại các thành phố quan trọng như Raqqa, nhưng sau đó các nhóm đối lập giành lại một số lãnh thổ từ tay IS, và lãnh thổ cũ của đối lập lại bị chiến binh người Kurd và lực lượng chính phủ tái kiểm soát.

IS không phải là cái gai duy nhất bên phía phiến quân đối lập, mà còn hàng chục phe phái khác chia rẽ về liên kết khu vực, sắc tộc, lập trường chính trị và tôn giáo.

Lập trường quốc tế

Trong khi các nước phương Tây và cường quốc khu vực như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đều chống lại ông Assad, nhưng không nước nào có hành động quyết định để hạ bệ nhà lãnh đạo này.

Bất chấp sự thỉnh cầu của đối lập, Mỹ tránh can thiệp quân sự giống như từng làm ở Libya, giúp lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Mặc dù vũ khí được cung cấp cho phiến quân, song các lãnh đạo đối lập nói chúng chưa đủ để đối phó lại với không lực Syria.

Quyết định của Mỹ không cung cấp những vũ khí như vậy cho phiến quân vì sợ rằng chúng có thể rơi vào tay những tổ chức như IS, và sau đó có thể được sử dụng chống lại chính lợi ích của phương Tây.

Khi cuộc chiến ngày càng kéo dài, thì giới chức phương Tây cũng giảm đi tầm quan trọng của việc hạ bệ Assad.

Tháng 3.2017, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố, loại bỏ ông Assad không còn là trọng tâm trong chính sách của Mỹ.

Hai tháng trước đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói rằng ông Assad có thể ở lại như một phần của thỏa thuận hòa bình.

Sự ủng hộ bên trong

Bất chấp sự phản đối rộng rãi ở bên ngoài, nhưng Tổng thống Assad vẫn duy trì mức độ ủng hộ đáng kể ở Syria.

Những sự ủng hộ ấy vượt ra ngoài cộng đồng Alawite của ông Assad, lan tới cả cộng đồng người Sunni - những người hưởng lợi về mặt tài chính trong thời gian ông Assad nắm quyền, và ít quan tâm đến việc thay đổi hiện trạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn