MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai ứng viên chính của cuộc bầu cử Đức 2017, đương kim Thủ tướng Angela Merkel và ông Martin Schulz của Đảng SPD. Ảnh: Reuters

Bầu cử Đức: Bước chuyển lịch sử

NGẠC NGƯ LDO | 25/09/2017 10:06

Trong lần tổng tuyển cử này, khoảng 61,5 triệu cử tri Đức bầu ra Quốc hội khoá XIX và tạo nên bước chuyển với ý nghĩa lịch sử, khi sau đến cả hơn nửa thế kỷ lại để cho nhiều đảng phái chính trị đến như vậy hiện diện trong nghị viện.

Nhân tố AfD

Số lượng đảng phái này càng đông có nghĩa là tỉ lệ phiếu bầu dành cho hai đảng lớn nhất càng giảm là Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo/Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) và Đảng Xã hội dân chủ (SPD). Hai đảng này liên minh cầm quyền và vì là hai đảng lớn nhất nên chính phủ liên hiệp được gọi là Đại liên minh.

Mọi kết quả thăm dò dư luận cho tới thời điểm ngay trước ngày bầu cử đều cho thấy hai đảng này vẫn là hai đảng lớn nhất trong Quốc hội, nhưng đều bị mất phiếu bầu so với lần tổng tuyển cử cách đây 4 năm. Ngoài ra còn có 4 đảng khác nữa đều có thể hiện diện trong nghị viện mới là Đảng Cánh tả, Đảng Dân chủ tự do, Đảng Xanh và Đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD). Càng nhiều đảng phái chính trị có chân trong Quốc hội thì việc thành lập chính phủ mới càng khó khăn.

Đây là lần thứ 4 bà Angela Merkel ra tranh cử trên danh nghĩa là Chủ tịch Đảng CDU và thủ lĩnh của liên minh CDU/CSU. Sẽ là bất ngờ lớn, thậm chí là trận địa chấn chính trị ở nước Đức và Châu Âu nếu bà Merkel thất cử lần này, nhưng thắng cử lần này sẽ cay đắng nhất đối với bà Merkel khi tỉ lệ phiếu bầu bị suy giảm, và đặc biệt là khi Đảng AfD hiện diện trong nghị viện mới.

Đảng AfD được thành lập vào tháng 2.2013 với quan điểm chính là phản đối chính sách cứu đồng euro của EU. Trong cuộc tổng tuyển cử vào mùa thu năm ấy ở nước Đức, đảng này chỉ thiếu có 0,20% phiếu bầu để có chân trong Quốc hội Đức. Nhưng năm 2014, đảng này đã hiện diện trong Nghị viện Châu Âu và cho tới nay đã có mặt ở 13 trong tổng số 16 nghị viện bang của nước Đức. Lần tổng tuyển cử này ở nước Đức, không thể loại trừ khả năng AfD trở thành đảng lớn thứ 3 trong Quốc hội và lãnh đạo phe đối lập.

AfD bị coi là đảng cực hữu, ở phía hữu của CDU/CSU mà lần cuối cùng ở nước Đức có một đảng như vậy là thời thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Đảng này chống đối kịch liệt chính sách của bà Merkel về người tị nạn, đòi đóng cửa biên giới, đưa nước Đức ra khỏi nhóm thành viên EU sử dụng đồng tiền chung euro và Hiệp ước Paris về bảo vệ khí hậu trái đất, chấm dứt tình trạng hai quốc tịch, thù địch với đạo Hồi và người nước ngoài. AfD tương đương với những đảng cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa ở Mỹ và các nước Châu Âu khác.

Bà Angela Merkel chắc thắng?

Phải rất lâu rồi ở nước Đức mới lại có cuộc vận động tranh cử buồn tẻ và nghèo nội dung như lần này. Phe bà Merkel quá chắc thắng. Phía Đảng SPD bế tắc ý tưởng chính sách mới. Các đảng khác ganh đua chèn ép lẫn nhau trong khẩu chiến nhiều hơn là trong tranh luận về chính sách. Người Đức vốn thận trọng nhưng cũng đam mê phê phán nên để cho bà Merkel thắng cử lần thứ tư với sự trừng phạt là không đạt được kết quả cao như trước và để cho nhiều đảng nhỏ, đặc biệt là Đảng AfD, tham gia Quốc hội mới. Họ không muốn tiến hành cuộc thí nghiệm chính trị quyền lực mới, nhưng đồng thời muốn dùng lá phiếu để thể hiện sự không hài lòng với liên minh chính phủ cầm quyền cũ và cá nhân bà Merkel.

Cuộc tổng tuyển cử này đưa lại bước chuyển lịch sử đối với nước Đức nhưng chỉ về chính trị và nghị trường. Đảng AfD trong Quốc hội và sự xé lẻ trên chính trường làm cho chuyện cầm quyền của bà Merkel sẽ khó khăn hơn, nhưng chưa đủ để làm thay đổi cơ bản nước Đức. Cương lĩnh tranh cử của các đảng phái này, từ đảng lớn đến đảng nhỏ, đều không thấy ẩn chứa ý tưởng hay tầm nhìn chính sách gì mới mẻ so với trước, chưa thấy báo hiệu sẽ thổi được làn gió mới vào chính trường và xã hội 
nước Đức.

Dù vậy, cả Châu Âu vẫn nhìn về nước Đức. Sau khủng hoảng tài chính và nước Anh quyết định ra khỏi EU, dưới tác động của vấn đề người tị nạn và sự trỗi dậy của các lực lượng cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa, trong bối cảnh nội bộ EU phân hoá sâu sắc và quan hệ của EU với Mỹ khó khăn, các thách thức về an ninh vẫn rất sâu sắc, Châu Âu kỳ vọng vào sự ổn định chính trị tương đối ở Đức và sẽ thở phào nghẹ nhõm khi bà Merkel thắng cử. Cuộc bầu cử này ở nước Đức vì thế có ý nghĩa quan trọng đối với cả Châu Âu.

Sự trỗi dậy nhanh chóng và ấn tượng của AfD là thất bại của tất cả các đảng dân chủ và cá nhân bà Merkel. Cuộc bầu cử Quốc hội này vì thế là bước chuyển lịch sử đối với nước Đức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn