MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Joe Biden (trái) và cựu Tổng thống Barack Obama (phải) trong cuộc vận động cho ứng cử viên Dân chủ John Fetterman và Josh Shapiro tại Trung tâm Liacouras ở Philadelphia, Pennsylvania ngày 5.11. Ảnh: AFP

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Thay đổi tương quan lực lượng

Ngạc Ngư LDO | 08/11/2022 15:01

Luật bầu cử ở Mỹ khác biệt với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới ở  "Bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ". 

Phân tranh lại quyền thế

Đó là cuộc bầu cử toàn bộ hạ viện (hiện có 435 ghế) và trên dưới một phần ba trong tổng số 100 ghế ở thượng viện (năm nay bầu lại 35 ghế), cùng một số thống đốc bang (năm nay 36 vị) vào thời điểm giữa hai lần bầu tổng thống. Cùng ngày bầu Tổng thống (cứ 4 năm một lần), cử tri Mỹ cũng bầu số dân biểu trên bởi nhiệm kỳ của hạ viện chỉ có 2 năm trong khi nhiệm kỳ của thượng viện là 6 năm.

Quy cách bầu cử quốc hội như thế khiến cho tương quan lực lượng trong lưỡng viện lập pháp ở Mỹ cứ sau 2 năm là lại thay đổi. Thông thường, tỉ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ không cao bằng ở lần bầu cử quốc hội trùng với cuộc bầu cử tổng thống. Ngoài ra, cũng thường thấy tỉ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ càng cao thì phe Đảng Dân chủ càng dễ thắng cử và Tổng thống đương nhiệm thuộc phe nào thì phe ấy hay bị thất bại trong các cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. 

Hiện tại, phe Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chiếm đa số trong hạ viện, nhưng chỉ hơn phe Đảng Cộng hoà 12 ghế và có được đa số trong thượng viện mặc dù chỉ có 48 ghế nhờ sự ủng hộ trên thực tế của 2 thượng nghị sĩ độc lập (vốn thuộc phía Đảng Cộng hoà nhưng rồi ly khai đảng này) và tiếng nói quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris.

Trong số 35 ghế thượng viện bầu lại lần này có 24 ghế hiện thuộc về phe Đảng Cộng hoà. Điều này có nghĩa là nếu muốn giành đa số thì phe Đảng Cộng hoà phải bảo vệ được số ghế ấy và chiếm được thêm ít nhất 2 ghế nữa (hiện thuộc về phía Đảng Dân chủ). Việc này khó khăn hơn nhiều việc giành được đa số trong hạ viện.

Cũng vì thế mà kết cục được dự báo có nhiều khả năng xảy ra nhất là phe Đảng Dân chủ giữ được đa số hiện tại trong thượng viện nhưng bị mất đa số trong hạ viện và kịch bản phe Đảng Cộng hoà có được đa số ở cả hai viện lập pháp được nhìn nhận có khả năng xảy ra cao hơn kịch bản phe Đảng Dân chủ duy trì được đa số ở cả hai viện lập pháp ấy như hiện tại.

Những chủ đề nội dung tranh cử nổi bật nhất và cũng sẽ quyết định nhất là tỉ lệ lạm phát và giá năng lượng cao, vấn đề cấm phá thai sau phán quyết liên quan của toà án tối cao, tình hình tội phạm gia tăng, vấn đề tị nạn và nhập cư. Các vấn đề đối ngoại và chính trị an ninh thế giới đóng vai trò gần như không đáng kể ở lần bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ này.

Cuộc trưng cầu dân ý nửa nhiệm kỳ

Bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ tuy không quan trọng bằng bầu cử Tổng thống nhưng cũng vẫn rất quan trọng vì chẳng khác gì cuộc trưng cầu dân ý về nửa nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống đương nhiệm. Bằng việc làm thay đổi tương quan lực lượng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà trong hạ viện và thượng viện, kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ có thể gây khó khăn hoặc tạo thuận lợi cho Tổng thống đương nhiệm trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại. Nó còn quan trọng ở chỗ mở đường, định hướng cho những quyết định về nhân sự ứng cử Tổng thống trong cuộc bầu cử Tổng thống tới.

Nước Mỹ đang ở trong tình trạng bị phân rẽ rất trầm trọng về chính trị và xã hội. Kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ này sẽ cho thấy tình trạng ấy sẽ tiếp tục gia tăng mức độ trầm trọng hay sẽ có thể được khắc phục trong thời gian tới. Qua đó có thể sơ bộ thấy được khả năng ông Biden và cựu Tổng thống Donald Trump (thuộc Đảng Cộng hoà) sẽ ứng cử cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới hay không. 

Chỉ cần phe Đảng Cộng hoà kiểm soát hạ viện không thôi chứ chưa nói đến cả thượng viện, ông Biden sẽ rất khó khăn và khó xử trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn