MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chân dung Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Damascus, Syria. Ảnh: AFP.

Bầu cử Mỹ tác động tới chính quyền ông Assad ra sao

Triệu Hải LDO | 04/06/2020 16:19
Cách tiếp cận của Washington với vấn đề Syria sẽ không thay đổi, tuy nhiên bầu cử Mỹ 2020 sẽ tác động đến ứng xử của Iran đối với kinh tế Syria – từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới chính quyền Tổng thống Bashal al-Assad. 

“Vũ khí” có sức công phá lớn nhất 

Nội chiến Syria tác động cực kỳ tiêu cực tới kinh tế, phá hủy hệ thống hạ tầng dân sự tại Syria từ năm 2011, cùng các đòn trừng phạt từ Mỹ khiến nền kinh tế Syria suy thoái. Tháng 8.2019, Ngân hàng Thế giới công bố số liệu cho thấy, GDP của Syria giảm xuống còn 1/3 mức trước nội chiến, 64% giảm do chiến tranh phá hủy cơ sở hạ tầng.

Nhằm đối phó với kinh tế khó khăn, chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad dựa vào viện trợ tài chính từ Nga và Iran. Tuy nhiên, đòn trừng phạt kinh tế do chính quyền Donald Trump áp đặt lên Iran từ 2018 khiến kinh tế Iran đứng trước khó khăn rất lớn, buộc Iran đổi hướng vốn đầu tư ra nước ngoài quay lại nội địa, bỏ lại Syria. Thêm vào đó, dịch COVID-19 bùng phát nhanh chóng khiến GDP của Iran giảm 15% quy mô và mức viện trợ cho Syria tiếp tục giảm sâu. 

Cùng lúc đó, chính sách bao vây cấm vận của Mỹ với Syria gần như không đổi bởi được sự ủng hộ của cả 2 đảng, duy trì qua 2 nhiệm kỳ tổng thống gần đây với 2 nội dung lớn: Can thiệp quân sự toàn diện chống IS và trừng phạt kinh tế nặng nề với chính quyền Assad. Dù vậy, chính quyền của ông Assad vẫn đứng vững nếu nhận được viện trợ ổn định từ Iran. Do đó, trên thực tế, tiếp cận của Mỹ với vấn đề Iran mới là “vũ khí” có sức công phá lớn nhất với Tổng thống Assad.

Thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động toàn diện chung - JCPOA) ký năm 2015, khiến bao vây cấm vận kinh tế với Iran phần nào được dỡ bỏ, một số tài sản của Iran tại nước ngoài được dỡ phong tỏa, nền kinh tế có môi trường thuận lợi hơn để phát triển.

Cả ông Assad và cố vấn Bouthaina Shaaban đều hoan nghênh thỏa thuận này và kỳ vọng viện trợ từ Iran sẽ tiếp tục tăng.

Trên thực tế, tài chính từ Iran thực sự đã duy trì sức sống của chính phủ Assad để dùng trong chiến đấu với IS, phe đối lập và tái thiết lập vai trò lãnh đạo với một vùng lãnh thổ rộng lớn của Syria.

Tương tự, viện trợ từ Nga cũng có tác dụng đáng kể. Ngoài hỗ trợ quân sự về đường không và kho vận, Mátxcơva cũng hỗ trợ Syria qua việc vận dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn hơn 14 Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề này.

Hai kịch bản hậu bầu cử Mỹ

Quyết định rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt Iran của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tước bỏ các lợi thế mà Syria đang có, Foreign Policy nhận định. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, alwatan.sy – hãng thông tấn thân chính phủ Syria cho hay, hỗ trợ tín dụng từ Iran đã giảm mạnh, khiến ngành dầu mỏ Syria sụp đổ.

Chính phủ Syria đã cố gắng khắc phục khó khăn trên bằng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Tháng 1.2020, Thứ trưởng Bộ Nội thương và Bảo vệ người tiêu dùng nước này thông báo, mỗi gia đình – bất kể quy mô – sẽ nhận khẩu phần cố định gồm 4kg đường, 3kg muối, 1kg trà với giá ưu đãi theo chương trình trợ cấp của chính phủ ra đời năm 2019.

Syria đã có những điều chỉnh chính sách từ năm 2019 trong nỗ lực kích thích tiêu dùng của xã hội, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như không hiệu quả do các điểm yếu nội tại trong nền kinh tế là quá lớn. Ngoài hạ tầng và cơ sở sản xuất bị phá hủy, trừng phạt và bao vây cấm vận kinh tế đã cắt đứt liên hệ của Syria với thị trường quốc tế, từ đó làm suy giảm năng lực sản xuất của quốc gia.

Do sức khỏe nền kinh tế Syria phụ thuộc quá nhiều vào hỗ trợ tài chính từ Iran, tương lai của đất nước – cụ thể hơn là tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad – phụ thuộc vào kết quả bầu cử Mỹ thời gian tới, tác giả Iyad Yousef nhận định trong bài viết đăng trên Foreign Policy.

Tác giả bài viết cho rằng, nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử Syria cần chuẩn bị cho khả năng Washington sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa với Tehran, duy trì trừng phạt, buộc giới chức Iran sử dụng nguồn lực để giải quyết khó khăn trong nước và ổn định tâm lý người dân.

Nếu một ứng viên Dân chủ (nhiều khả năng là ông Joe Biden) trở thành tổng thống Mỹ, nước này có thể điều chỉnh chính sách đối ngoại với Iran về hướng đàm phán và có thể sẽ tái khởi động JCPOA. Theo đó, chính quyền Biden có thể dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt Iran, từ đó tác động tới chính sách của Iran với các quốc gia lân bang.

Nhìn chung, Iyad Yousef cho rằng, tình hình Syria hiện trong hoàn cảnh khá phức tạp: Chính sách của Mỹ hỗ trợ nhân dân Syria cũng đồng thời khiến sức phòng thủ của chính phủ ông Assad tăng lên. Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo dù là ai cũng sẽ không dỡ bỏ sức ép kinh tế với Syria. Tuy nhiên, chừng nào Syria còn có thể nhận viện trợ từ Iran, chính quyền ông Assad vẫn sẽ đứng vững và cá nhân ông vẫn còn có khả năng tiếp tục cầm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn