MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc bầu cử Mỹ 2020 diễn ra với nhiều bất ngờ, kịch tính. Ảnh: Văn Thắng/AFP

Bầu cử Mỹ: Tranh chấp kết quả bầu cử sẽ diễn ra như thế nào

Phương Linh LDO | 05/11/2020 11:10
Cuộc bầu cử Mỹ 2020 diễn ra đầy kịch tính đang dần đi đến hồi kết. Vấn đề đặt ra là chuyện gì sẽ xảy ra nếu có tranh chấp về kết quả bầu cử?

Dưới đây là các phương án khác nhau mà một cuộc tranh chấp kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có thể diễn ra:

Đệ trình lên tòa tối cao

Một kết quả bám đuổi sít sao có thể dẫn đến việc kiện tụng về thủ tục bỏ phiếu và kiểm phiếu ở các bang chiến trường. Các vụ kiện được đệ trình ở các bang riêng biệt cuối cùng có thể lên đến Tòa án Tối cao Mỹ. Trong cuộc bầu cử ở Florida năm 2000, khi ông George W Bush thuộc đảng Cộng hòa giành chiến thắng trước ứng viên Al Gore của đảng Dân chủ chỉ với 537 phiếu ở bang này sau khi tòa án tối cao bắt dừng việc kiểm phiếu lại.

Chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, ông Trump đã bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao, tạo ra tỉ lệ đa số 6-3 cho phe bảo thủ, giúp ủng hộ tổng thống nếu các tòa án tiến hành phân xử tranh chấp kết quả bầu cử.

"Chúng tôi muốn luật pháp được tuân thủ đúng đắn. Vì vậy, chúng tôi sẽ đưa ra Tòa án Tối cao Mỹ. Chúng tôi muốn ngừng tất cả các phiếu bầu", ông Trump tuyên bố hôm 4.11,. Theo luật bầu cử ở các tiểu bang của Mỹ yêu cầu tất cả các phiếu bầu phải được tính và nhiều bang thường mất nhiều ngày để hoàn thành việc kiểm đếm phiếu hợp lệ.

Cử tri đoàn

Theo hiến pháp Mỹ, ứng viên nào giành được đa số trong số 538 phiếu đại cử tri, được gọi là cử tri đoàn, sẽ đắc cử Tổng thống. Ứng viên thắng phiếu phổ thông ở bang nào sẽ giành được phiếu đại cử tri của bang đó. Năm nay, cử tri đoàn sẽ họp vào 14.12 để bỏ phiếu trong khi Quốc hội Mỹ sẽ họp vào ngày 6.1 để kiểm phiếu và công bố người chiến thắng. Thông thường, các thống đốc bang xác nhận kết quả bầu cử tại bang của họ và chia sẻ thông tin với Quốc hội.

Một số học giả đưa ra kịch bản trong đó thống đốc và cơ quan lập pháp ở bang có tranh chấp về kết quả sẽ đệ trình lên 2 kết quả bầu cử khác nhau. Ở các bang chiến trường Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Bắc Carolina đều có thống đốc thuộc đảng Dân chủ và cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Theo các chuyên gia, không rõ trong kịch bản này, Quốc hội có chấp nhận kết quả bầu cử của thống đốc bang hay sẽ loại bỏ, không tính phiếu đại cử tri của bang đó. Kịch bản này được các chuyên gia cho rằng sẽ khó xảy ra, dù rằng từng có tiền lệ.

Bầu cử ngẫu nhiên

Trong trường hợp cả hai ứng viên đều không đạt đa số phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành tổng thống, một cuộc ''bầu cử ngẫu nhiên'' sẽ được kích hoạt, theo Tu chính án thứ 12 của Hiến pháp Mỹ. Theo đó, Hạ viện sẽ bầu chọn tổng thống trong khi Thượng viện bầu chọn phó tổng thống.

Mỗi phái đoàn tiểu bang trong Hạ viện được một phiếu bầu duy nhất. Hiện nay, đảng Cộng hòa kiểm soát 26/50 tiểu bang, trong khi đảng Dân chủ có 22/50, còn lại hai phái đoàn tiểu bang, một đoàn có tỉ lệ cân bằng hai đảng, đoàn còn lại gồm 7 đản viên Dân chủ và 6 đảng viên Cộng hòa cùng 1 đảng viên tự do.

Một cuộc ''bầu cử ngẫu nhiên'' cũng diễn ra trong trường hợp có tỉ số 269-269 sau cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, bất kỳ tranh chấp bầu cử nào trong Quốc hội sẽ chỉ diễn ra trước một thời hạn nhất định vào 20.1 - khi nhiệm kì của tổng thống hiện tại kết thúc theo quy định của Hiến pháp.

Theo Đạo luật Kế vị Tổng thống, đến thời điểm đó, nếu Quốc hội vẫn chưa tuyên bố người chiến thắng vị trí tổng thống hoặc phó tổng thống, chủ tịch Hạ viện sẽ là quyền tổng thống. Chủ tịch Hạ viện Mỹ hiện tại là bà Nancy Pelosi, đảng viên Dân chủ California.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn