MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ứng cử viên Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tại một điểm bỏ phiếu ở Bogor, Tây Java ngày 14.2. Ảnh: AFP

Bầu cử Tổng thống Indonesia: Ứng viên Prabowo dẫn đầu

Thanh Hà LDO | 15/02/2024 07:09

Ngày 14.2, hơn 200 triệu cử tri Indonesia đã đi bỏ phiếu để bầu ra tổng thống mới trong cuộc bỏ phiếu được coi là cuộc bầu cử một ngày lớn nhất thế giới. Kết quả kiểm đếm sơ bộ cho thấy trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, ứng cử viên tổng thống lớn tuổi nhất (72 tuổi), dẫn đầu.

Channel News Asia thông tin chiều 14.2, ứng viên Tổng thống Prabowo Subianto đã giành đủ số phiếu để có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia. Theo số liệu nhanh của một số nhà thăm dò độc lập, ông Subianto đã giành được gần 60% phiếu bầu trên toàn quốc.

Cuộc kiểm đếm nhanh của Indikator Politik cho thấy ông Prabowo giành được 59,8% phiếu bầu, dựa trên 23,3% số phiếu đã kiểm đếm. Các đối thủ của ông Prabowo là Anies Baswedan và Ganjar Pranowo lần lượt giành được 23,51% và 16,72%.

Theo Kompas - một trong những cơ quan thăm dò uy tín nhất ở Indonesia - ông Prabowo dẫn đầu với 59,77% phiếu bầu, tiếp theo là ông Anies với 23,11% và ông Ganjar với 17,12%.

Charta Politika chỉ ra, ông Prabowo có 56,65% phiếu bầu, trong khi ông Anies có 26,39% và ông Ganjar có 16,94%.
Trong khi đó, số liệu từ Tổ chức Khảo sát Indonesia (LSI) cho thấy, ông Prabowo đang dẫn đầu với khoảng từ 53,4% đến 58,4% phiếu bầu.

Reuters lưu ý, trong các cuộc bầu cử ở Indonesia trước đây, số liệu từ các cơ quan kiểm đếm uy tín đã được chứng minh là chính xác.

Theo quy định bầu cử Indonesia, khi một ứng cử viên giành được hơn 50% phiếu bầu trên toàn quốc và ít nhất 20% phiếu bầu ở hơn một nửa trong số 38 tỉnh thành thì ứng viên đó đảm bảo thắng lợi trong cuộc đua giành ghế tổng thống. Nếu không, vòng bỏ phiếu thứ 2 sẽ diễn ra vào tháng 6 giữa 2 ứng viên nhiều phiếu nhất trong vòng 1.

Ngoài bầu tổng thống, trong cuộc bầu cử ở Indonesia lần này, hàng chục nghìn ứng viên đang cạnh tranh khoảng 20.000 ghế nghị trường ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó, khoảng 10.000 người từ 18 đảng phái chính trị cạnh tranh 580 ghế của quốc hội. Theo Ủy ban Bầu cử Indonesia, những cử tri trẻ tuổi là chủ đạo trong cuộc bầu cử lần này, với khoảng một nửa số cử tri đã đăng ký dưới 40 tuổi.

Việc kiểm phiếu chính thức trong cuộc bầu cử ở Indonesia là một quá trình tốn nhiều công sức và có thể mất khoảng một tháng nhưng kết quả ban đầu dựa trên việc lấy mẫu từ các nhóm khảo sát và bỏ phiếu kín được coi là chỉ số đáng tin cậy.

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã thua đương kim Tổng thống Joko Widodo trong 2 cuộc tranh cử trước. Lần này, ông Subianto đã chọn con trai cả của ông Widodo, Gibran Rakabuming Raka, làm người tranh cử vị trí phó tổng thống. Động thái này có thể giúp tăng cơ hội của ông khi đương kim tổng thống là người có sức ảnh hưởng lớn. Ông Raka, 36 tuổi, được phép tranh cử khi Tòa án Hiến pháp Indonesia ra phán quyết cho phép có ngoại lệ khi luật pháp Indonesia yêu cầu độ tuổi tranh cử tối thiểu là 40.

Hai cựu Thống đốc tỉnh Anies Baswedan và Ganjar Pranowo cũng đang cạnh tranh để kế nhiệm Tổng thống Joko Widodo - người đã đảm nhận cương vị tổng thống Indonesia nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp.

Ông Baswedan, cựu hiệu trưởng một trường đại học Hồi giáo, từng giữ chức Thống đốc Jakarta tới năm 2023. Ông là cựu học giả Fulbright, là Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa từ năm 2014 đến năm 2016. Ông Pranowo là ứng cử viên của đảng cầm quyền nhưng không nhận được sự ủng hộ của đương kim Tổng thống Widodo. Ông là nghị sĩ quốc gia của đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia trong 10 năm trước khi được bầu làm Thống đốc vùng Trung Java năm 2013.

Người kế nhiệm ông Widodo sẽ kế thừa một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, bao gồm việc chuyển thủ đô từ Jakarta đến đảo Borneo với chi phí lên tới hơn 30 tỉ USD. Dưới thời Tổng thống Widodo, Indonesia ghi nhận thời kỳ tăng trưởng đáng chú ý, trung bình 5% mỗi năm, ngoại trừ năm 2020 do đại dịch COVID-19.

Lộ trình kinh tế của ông Widodo, được gọi là “Indonesia vàng 2045” nhằm đưa Indonesia trở thành một trong năm nền kinh tế hàng đầu thế giới với GDP lên tới 9 nghìn tỉ USD. Năm 2045 là tròn 1 thế kỷ sau khi Indonesia giành được độc lập từ thực dân Hà Lan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn