MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS Trịnh Đình Hải đang khám cho một bệnh nhi. Ảnh: T.LINH

Những người cả đời đi “săn” nụ cười

GIANG THÙY LINH LDO | 05/05/2018 17:25
Giáo sư Trịnh Đình Hải không thể nhớ hết bao nhiêu gương mặt của các bé thơ không may bị dị tật khe hở môi vòm miệng, ông chỉ biết rằng những nụ cười của các cháu khiến cho ông và các y bác sĩ của Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư HN không thể nào quên được. Những nỗi đau của các cháu, nỗi khổ tâm của phụ huynh và gia đình đã thôi thúc ông và các y bác sĩ, không một ngày nào họ dừng công việc đó lại - phẫu thuật và chăm sóc cho các cháu miễn phí - coi đó là nhiệm vụ quan trọng của mình.

Mổ nhân đạo quanh năm, đến lúc nào mổ lúc đó

Chị Hoàng Thị Tự, dân tộc Tày, vượt quãng đường hơn 350 cây số từ huyện Văn Bàn - tỉnh Lào Cai đến Hà Nội đưa con 18 tháng tuổi đến phẫu thuật. Sinh con ra, nhìn thấy con không lành lặn như những đứa trẻ khác, khe hở môi làm cháu bé trông sứt sẹo, khổ sở. Chị Tự đau đớn thắt ruột.

“Con ăn sữa thì chảy ra ngoài hết. Nuôi nấng vất vả lắm. Mỗi lần cho con ăn là mình lại thấy thương con biết bao nhiêu. Con cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác, nhưng lại không được lành lặn, ăn uống khổ sở, có người nhìn vào con thì không thấy đáng yêu. Nhiều lúc mình buồn lắm. Đây là lần đầu tiên đưa con xuống Hà Nội phẫu thuật. Mình mong các bác sĩ giúp con mình được bình thường như các bạn, lớn lên còn đi học”- chị Tự tâm sự.

Em Nguyễn Văn Toàn (18 tuổi) ở Bắc Ninh đã trải qua 7 lần phẫu thuật để “chỉnh sửa” lại những dị tật bẩm sinh không ai mong muốn trên khuôn mặt của mình. “Em bị dị tật khe hở môi vòm miệng, cả ở trong và bên ngoài nên phải phẫu thuật rất nhiều lần. Từ lúc 6 tháng tuổi, em đã bắt đầu được phẫu thuật lần đầu tiên”. Toàn sinh ra không may mắc loại dị tật phổ biến này, khiến cuộc sống hằng ngày gặp khá nhiều rắc rối. Toàn kể: “Chán nhất là lúc ăn rất hay bị sặc, lại còn nói ngọng nữa; răng thì mọc lệch. Hằng ngày gặp mọi người thì em ngại ngần, tự ti lắm”.

Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương HN - là nơi hàng chục nghìn trẻ em khuyết tật khe hở môi vòm miệng đã tìm lại được nụ cười. Đây là một bệnh viện nhưng không giống như các bệnh viện khác, bởi đây như là ngôi nhà thứ 2 của nhiều em bé, nơi các em được chữa lành vết thương dị tật mà không may gặp phải từ khi lọt lòng mẹ, rồi được các y bác sĩ dạy học nói, để thanh âm tròn trịa, vững bước vào cuộc đời rộng mở phía trước.

“Trẻ em sinh ra có khe hở môi vòm miệng luôn có các biểu hiện không mong muốn như biến dạng môi, mũi, cung răng, khuôn mặt; bị rối loạn ăn uống như hay bị sặc, khó khăn khi bú mẹ; dễ bị viêm mũi họng, đường hô hấp; muộn hơn, các cháu sẽ rối loạn mọc răng, rối loạn phát âm, biến dạng xương mặt hàm... Nhiệm vụ của chúng tôi là hằng ngày đón nhận và phẫu thuật miễn phí, rèn luyện phát âm, tìm lại nụ cười cho các cháu”- GS-TS Trịnh Đình Hải - Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt VN, Giám đốc BV RHM T.Ư HN nói.

Trong một năm, bệnh viện phối hợp với nhiều tổ chức nhân đạo tổ chức các tuần lễ hay tháng phẫu thuật miễn phí khe hở môi vòm miệng. Mỗi đợt đó, hàng trăm trẻ lại được đưa đón từ các tỉnh xa xôi về Hà Nội thăm khám và phẫu thuật.

“Có lẽ tôi là người sung sướng và hạnh phúc vì được làm công việc này, giống như là đi “săn tìm nụ cười” vậy. Vì với những cháu sinh ra bị dị tật khe hở môi vòm miệng, bố mẹ và gia đình họ sốc vô cùng. Có bà mẹ sốc đến mức mà mất cả sữa, bị trầm cảm. Một số các cháu không có điều kiện mổ, mà cứ sống chung với dị tật như thế thì sẽ khổ sở suốt đời, bị ánh mắt người đời nhìn vào mỉa mai, có người sợ hãi, mất hết tự tin trong cuộc sống. Chúng tôi có chuyên môn, có phương tiện giúp xoa dịu được nỗi đau của họ, hàn gắn nụ cười cho các cháu”- GS Hải tâm sự.

Trăn trở của những người trong cuộc

GS Trịnh Đình Hải tất bật với sự kiện khởi động Tháng Phẫu thuật nhân đạo bắt đầu từ ngày 17.4, ông cũng không quên dành vài phút nán lại trả lời thắc mắc của các phóng viên. “Đợt này là khởi động cho chương trình hợp tác cả một năm bao gồm 4 đợt phẫu thuật tại các tỉnh xa như: Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Phú Yên và Nghệ An và khởi động cho một chiến dịch mà riêng tại bệnh viện, sẽ dự kiến phẫu thuật cho khoảng 650 cháu khe hở môi vòm miệng. Đây là một số lượng khá lớn, chưa kể bệnh viện còn hợp tác với một số tổ chức nhân đạo khác. Công việc rất nhiều”- GS Hải giới thiệu.

Không ít cơ sở tổ chức phẫu thuật khe hở môi vòm miệng miễn phí cho bệnh nhi, nhưng cũng không ít trường hợp không thành công, mà việc mổ lại cho những ca này thì vô cùng vất vả. Thấy chúng tôi nhắc đến vấn đề này, GS Hải trầm ngâm một lúc rồi nói: “Bệnh viện có một hệ thống trang thiết bị, phòng mổ hết sức hiện đại, có một đội ngũ phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức rất giỏi, giàu kinh nghiệm. Thường các cháu còn nhỏ, cân nặng ít nên việc gây mê, phẫu thuật cho các cháu không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật viên gây mê phải hết sức thành thạo, để thuận lợi hơn trong quá trình mổ cho các cháu, cho cả phẫu thuật viên trong quá trình mổ. Ở bệnh viện chúng tôi hầu như không có tai biến gì xảy ra trong quá trình phẫu thuật”.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt, người thường xuyên xuất hiện trong những cuộc mổ nhân đạo, đang bận ở một ca phẫu thuật. Thạc sĩ Nguyễn Tấn Văn - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, phải thay anh quán xuyến mọi việc ở khoa, thu xếp ổn định giường bệnh cho các bệnh nhi. Họ là hai “tay mổ cự phách” có tiếng trong ngành.

Bác sĩ Văn đi đến từng giường, thăm khám cho các cháu. Anh cứ vừa làm vừa nói, khiến cho người nhà bệnh nhi và chúng tôi cứ há hốc mồm mà nhìn. “Cháu này bị khe hở môi trái vòm miệng. Phẫu thuật khe hở môi lúc 6 tháng tuổi và đến năm cháu 20-24 tháng thì phẫu thuật vòm miệng. Đến khi cháu trưởng thành khoảng 15-16 tuổi sẽ tiến hành sửa sẹo và nâng cánh mũi cho cháu, cộng thêm phẫu thuật trung gian nữa, vào khoảng tầm 7-8 tuổi nếu có khe hở khung hàm thì phải ghép thêm khung hàm. Tùy theo hoàn cảnh gia đình có thể lựa chọn chỉnh nha, điều chỉnh khớp cắn cho các cháu”- anh vừa khám cho một cháu bé, vừa nói với bố mẹ cháu đang hồi hộp chờ đợi.

“Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp các cháu đến viện muộn, việc phẫu thuật rất khó khăn, không thể hoàn trả lại gương mặt ban đầu cho các cháu được. Mỗi trường hợp như thế, mình lại cảm thấy tiếc, thấy buồn cho các cháu. Chúng tôi chỉ mong các bậc phụ huynh nắm được thông tin, đưa các cháu đến thật sớm, sẽ đỡ khổ cho các cháu”- bác sĩ Văn trăn trở.

BS Văn cũng cho biết thêm, với quan điểm trước kia, trẻ 6 tháng tuổi mới cần phẫu thuật khe hở môi là hợp lý nhưng với những tiến bộ y học hiện nay thì đó lại là quan điểm lỗi thời. Điều trị cho trẻ bắt đầu từ lúc trẻ sinh ra đến 1- 2 tuần đầu tiên, trẻ sẽ được điều trị tiền phẫu thuật, cho trẻ đeo những khí cụ tiền phẫu thuật và như thế sẽ không gây những biến dạng trầm trọng như các trường hợp đến viện, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu đến viện phẫu thuật môi và mũi, vòm họng, đẹp và hoàn thiện hơn rất nhiều.

Lần nào bệnh viện mở đợt tiếp nhận và phẫu thuật đông bệnh nhi, Giáo sư Hải, bác sĩ Hà, bác sĩ Văn và rất nhiều y bác sĩ khác cứ bị cuốn vào công việc như thế. Họ thậm chí còn không có thời gian trả lời một cuộc điện thoại hay chào hỏi xã giao với người quen. Không ai cảm thấy mình thiệt thòi, bởi món quà họ nhận lại được là nụ cười tròn trịa của những đứa trẻ, là hạnh phúc vô bờ của bố mẹ và gia đình. “Đó là món quà vô giá, có gì hạnh phúc hơn là đem lại nụ cười cho người khác?. Chừng nào chưa về hưu, tôi vẫn còn làm”- GS Hải mỉm cười hiền hậu.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 - 3.000 trẻ bị hở môi, vòm miệng… chào đời. Các khuyết tật này sẽ làm biến dạng khuôn mặt của trẻ, ảnh hưởng đến vẻ đẹp thẩm mỹ và làm chậm sự phát triển thể chất, rối loạn phát âm. Vì vậy, việc phẫu thuật can thiệp kịp thời, đúng kỹ thuật sẽ giúp trẻ cải thiện được những khuyết tật và tự tin hơn trong cuộc sống.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi “Viết về người lao động - viết cho người lao động”

Báo Lao Động mời bạn đọc tham gia cuộc thi “VIẾT VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG - VIẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG”

Đối với các ấn phẩm trên báo in Báo Lao Động

- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan, kịp thời. Mỗi tác phẩm không quá 1.700 chữ và ít nhất 1 ảnh, khuyến khích tác phẩm gửi kèm nhiều ảnh.

- Tác phẩm dự thi ngoài bút danh (nếu có) phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, thư điện tử (email) của tác giả.

- Tác phẩm dự thi gửi qua email hay đường bưu điện phải ghi rõ: Bài dự thi cuộc thi viết “VIẾT VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG - VIẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG”.

- Ban Tổ chức không hoàn trả tác phẩm dự thi.

Đối với tác phẩm video:

- Tác phẩm dự thi có thời lượng không quá 5 phút.

- Ngoài bút danh (nếu có) phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, hòm thư điện tử (email) của tác giả.

- Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi về: Ban TKTS, Báo Lao Động, số 6 phố Phạm Văn Bạch, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.

(Bì thư ghi rõ: Tham gia Cuộc thi

Thư điện tử theo địa chỉ: thivietvelaodong@laodong.com.vn

Kính mời bạn đọc cả nước tham gia.

BBT BÁO LAO ĐỘNG

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn