MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 tại Niigata, Nhật Bản, ngày 11.5.2023. Ảnh: AFP

Bế tắc nợ của Mỹ phủ bóng hội nghị lãnh đạo tài chính G7

Ngọc Vân LDO | 12/05/2023 21:00
Bế tắc ở Washington về việc nâng trần nợ của Mỹ phủ bóng hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7, bắt đầu vào ngày 11.5 tại Niigata, Nhật Bản.

Thống đốc ngân hàng trung ương của nước chủ nhà Nhật Bản cho biết cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ có thể được thảo luận tại cuộc họp G7, đồng thời cho biết thêm nhóm này phải sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tác động nào của thị trường.

“Tôi tin rằng các nhà chức trách Mỹ sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn điều đó xảy ra” - Reuters dẫn lời Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda phát biểu với báo giới khi được hỏi về khả năng Mỹ vỡ nợ.

"Vỡ nợ là điều mà giới chức Mỹ phải giải quyết. Nhưng G7 sẽ theo dõi sát tình hình và có ứng phó cần thiết" - ông Ueda nói.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến đối mặt với các câu hỏi từ những người đồng cấp G7 của bà trong cuộc họp tại thành phố Niigata của Nhật Bản về cách Washington dự định ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính vốn đã căng thẳng sau sự sụp đổ gần đây của ba ngân hàng khu vực của Mỹ và các vụ phá sản ngân hàng ở châu Âu.

"Việc vỡ nợ sẽ đe dọa những thành tựu mà chúng ta đã nỗ lực đạt được trong vài năm qua trong quá trình khắc phục đại dịch. Và nó sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu khiến chúng ta lùi xa hơn nữa" - bà Yellen phát biểu tại Niigata hôm 11.5.

Tổng thống Joe Biden báo hiệu khả năng hủy bỏ chuyến đi dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào tuần tới nếu tình trạng bế tắc nợ không được giải quyết kịp thời. Ông Biden đồng thời cảnh báo, nếu không nhanh chóng nâng giới hạn vay của chính phủ từ mức 31,4 nghìn tỉ USD hiện tại có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ là một vấn đề đau đầu đối với Nhật Bản - nước chủ tịch G7 năm nay và là một trong những chủ nợ lớn nhất thế giới của Mỹ.

"G7 sẽ không thể đưa ra giải pháp cho vấn đề thuần túy trong nước và chính trị của Mỹ, mặc dù nhóm có thể tái khẳng định quyết tâm hợp tác để ổn định thị trường trong trường hợp xấu nhất" - Takahide Kiuchi, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Nomura cho biết.

"Washington hoàn toàn chịu trách nhiệm khắc phục sự cố này. Nhưng khi có sự cố xảy ra, tất cả các quốc gia khác đều phải gánh chịu hậu quả" - Takahide Kiuchi nói.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 gặp nhau vào thời điểm mà việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn tài chính.

Các quan chức Nhật Bản cho biết sau các vụ phá sản gần đây của một số ngân hàng Mỹ, G7 sẽ thảo luận về cách củng cố hệ thống tài chính toàn cầu và chống lại rủi ro từ việc rút tiền ồ ạt.

Căng thẳng Mỹ - Trung âm ỉ cũng che mờ triển vọng của nền kinh tế toàn cầu vốn đang chịu áp lực từ những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc.

Các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 của Trung Quốc có thể đang chậm lại. Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn hai năm vào tháng Tư, trong khi giảm phát tại nhà máy ngày càng sâu.

Các chủ đề chính khác sẽ được thảo luận tại cuộc họp tài chính G7 bao gồm các bước ngăn chặn Nga lách trừng phạt và đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc thông qua quan hệ đối tác với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn