MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Czech Petr Fiala, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của EU tại Prague, Czech, ngày 7.10.2022. Ảnh: AFP

Bên tranh thủ, phía tận dụng

Ngạc Ngư LDO | 10/10/2022 09:34

Ở thủ đô Prague của Czech trong tuần qua đã diễn ra ngay trước cuộc gặp cấp cao không chính thức của EU cuộc gặp cấp cao lần đầu tiên của 44 quốc gia Châu Âu - bao gồm 27 quốc gia thành viên EU và 17 quốc gia khác trên châu lục, trong đó đương nhiên không có Nga. 

Czech chủ trì tổ chức sự kiện bởi hiện là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của EU. Nhưng ý tưởng tổ chức sự kiện lại thuộc về Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Thật ra, ông Macron chỉ làm sống lại những gì EU đã làm hồi năm 2000 với Hội nghị Châu Âu ở Nice (Pháp) vận động được sự tham gia của 50 quốc gia Châu Âu.

Bây giờ, 44 nước Châu Âu tham gia cuộc gặp vừa qua ở Prague thành lập khuôn khổ đối thoại Cộng đồng Chính trị Châu Âu (EPC). Không phải hình thành liên minh mới tồn tại song song với EU mà chỉ là tập hợp các nước Châu Âu để cùng trao đổi về các vấn đề liên quan đến hiện tại và chi phối tương lai của cả Châu Âu. Trong đó, chủ quyền quốc gia không bị động chạm và mọi thoả thuận không mang tính ràng buộc mà chỉ là thể hiện ý chí chính trị. 

Ông Macron hâm nóng lại ý tưởng tập hợp tất cả các nước Châu Âu trong bối cảnh châu lục lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị an ninh trầm trọng chưa từng thấy kể từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai trong nửa đầu của thế kỷ trước. Người này muốn tìm kiếm thành quả đối ngoại để gây dựng vai trò dẫn dắt châu lục ra khỏi khủng hoảng. 

EU tham gia sáng kiến của ông Macron có nhu cầu cấp thiết thống nhất quan điểm và phối hợp hành động không những chỉ giữa 27 quốc gia thành viên mà còn giữa tất cả các nước trên châu lục để đối phó Nga sau khi Nga phát động chiến sự ở Ukraina nhằm mục tiêu không để cho Nga thắng ở Ukraina. Cho đến nay, EU đã thực thi 8 gói trừng phạt Nga vì chuyện Ukraina, nhưng EU thừa biết rằng dẫu EU cùng Mỹ, NATO và đồng minh có trừng phạt và đối địch Nga quyết liệt đến mức nào đi chăng nữa mà các nước Châu Âu khác không cùng hội cùng thuyền với EU, thì kết quả EU cùng Mỹ và đồng minh thu về được cũng chỉ hạn chế.  EU dùng việc thành lập Cộng đồng Chính trị Châu Âu (EPC) này để tranh thủ các nước khác trên châu lục, lôi kéo họ và phân rẽ họ với Nga, cô lập Nga mà không cần phải dùng đến con bài cam kết thu nạp họ vào EU. 

Trong khi đó, 17 quốc gia tham gia EPC chủ ý tận dụng khuôn khổ đối thoại mới này để có tiếng nói riêng trong những chuyện liên quan đến và quyết định số phận chung của cả châu lục, để chỉ rõ Châu Âu không chỉ có EU và NATO, cũng như để phát đi thông điệp rằng chuyện thời sự hiện tại của châu lục không chỉ có chiến sự ở Ukraina. Họ tận dụng cơ hội để khai thác triệt để cái giá của họ đối với EU. 

Trong khi EPC không bàn về đối phó Nga như thế nào thì EU lại đi vào cụ thể ở cuộc gặp cấp cao không chính thức sau đấy. EU đã thông qua biện pháp áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga nhưng vẫn bất đồng quan điểm về áp giá trần cho khí đốt trong EU và về tiếp tục viện trợ tài chính cũng như cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Giá năng lượng cao và mãi không chịu giảm hiện là thách thức lớn nhất và nguy hiểm nhất đối với EU. Mùa đông càng đến gần mà các thành viên EU cứ tự ai nấy lo về cung ứng năng lượng và giảm giá năng lượng thì cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại sẽ còn đẩy EU vào cuộc khủng hoảng về gắn kết và đoàn kết nội bộ.  EPC là bước tiến mới của các nước Châu Âu về hợp tác chính trị, nhưng trong thực chất thì chưa giúp ích được gì cho EU để đối phó những thách thức và khó khăn EU đang phải trực diện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn