MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
F/A-18 Super Hornet. Ảnh: Boeing

Bên trong chiến dịch “Mua hàng Mỹ”

VÂN ANH LDO | 21/04/2018 10:30
Trong một cuộc điện đàm với Quốc vương Kuwait hồi tháng giêng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đích thân hối thúc vị Vua vùng Vịnh tiến tới thỏa thuận mua máy bay chiến đấu trị giá 10 tỉ USD vốn bị đình trệ trong hơn 1 năm.

Một số nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, ông Donald Trump đã hành động thay mặt cho Boeing - nhà thầu quốc phòng lớn thứ 2 Mỹ. Với sự can thiệp này của Phòng Bầu Dục, cùng với những chi tiết chưa được báo cáo trước đây, ông Donald Trump đã làm một điều không mấy bình thường đối với một Tổng thống Mỹ - tự thân thúc đẩy một thỏa thuận vũ khí quan trọng.

Giới chức Mỹ cho rằng, vai trò cá nhân của ông Donald Trump cho thấy quyết tâm của ông để làm cho Mỹ, vốn đã thống trị trong thương mại vũ khí toàn cầu, trở thành một nhà buôn vũ khí thậm chí còn lớn hơn, bất chấp quan ngại của các nhà vận động kiểm soát vũ khí. Những nỗ lực này sẽ được củng cố bởi toàn bộ sức nặng của Chính phủ Mỹ, khi ông Donald Trump thực thi sáng kiến “Mua hàng Mỹ” trong tuần này nhằm cho phép các nước mua nhiều vũ khí và thậm chí vũ khí lớn hơn.

Sáng kiến sẽ nới lỏng các quy tắc xuất khẩu của Mỹ đối với các mặt hàng, từ máy bay tiêm kích và máy bay không người lái đến tàu chiến và pháo binh. Reuters cho hay, sáng kiến công bố ngày 19.4 đưa ra hướng dẫn cho phép nhiều nước được phê duyệt các thỏa thuận nhanh hơn, có thể chỉ cần vài tháng so với hằng năm để hoàn tất hợp đồng như trước đây. Sáng kiến này cũng kêu gọi các thành viên trong nội các của ông Donald Trump đôi khi phải đóng vai trò lớn hơn để ký kết các thỏa thuận vũ khí quan trọng. Nhiều quan chức chính phủ hàng đầu sẽ được cử đi để quảng bá vũ khí Mỹ tại các hội chợ vũ khí và hàng không quốc tế.

Chính quyền của ông Donald Trump nhấn mạnh rằng, mục tiêu chính là nhằm giúp các công ty quốc phòng Mỹ cạnh tranh tốt hơn với các nhà sản xuất Nga và Trung Quốc, đồng thời tạo ra sức nặng lớn hơn trước đối với những lợi ích kinh tế của việc bán vũ khí, và tạo thêm việc làm trong nước. “Chính sách này nhằm mục đích huy động toàn bộ nguồn lực của Chính phủ Mỹ đằng sau việc chuyển giao vũ khí, phục vụ cho lợi ích an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ” - Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Toàn bộ chính phủ vào cuộc

Sáng kiến kêu gọi cách tiếp cận theo kiểu “toàn bộ chính phủ”, từ tổng thống và nội các đến các tùy viên quân sự và nhà ngoại giao, để giúp tăng hàng tỉ đôla trong hoạt động buôn bán vũ khí ở nước ngoài. Nó cũng kêu gọi cắt giảm thủ tục rườm rà để đảm bảo việc phê duyệt nhanh hơn bán vũ khí cho các thành viên NATO, Saudi Arabia và các đối tác vùng Vịnh, cũng như những đồng minh như: Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác.

Các công ty được hưởng lợi nhiều nhất bao gồm Boeing và những nhà thầu quân sự hàng đầu của Mỹ như: Lockheed Martin, Raytheon, General Dynamics và Northrop Grumman. Cổ phiếu của tất cả những tập đoàn này đều tăng với tỉ lệ phần trăm 2 con số, dẫn đầu là cổ phiếu Boeing tăng gấp đôi kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng 1.2017.

Các trợ lý của ông Donald Trump cũng muốn cử nhiều quan chức cao cấp hơn đi dự những hội chợ vũ khí quốc tế, trong đó có các thành viên nội các như: Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, để thúc đẩy vũ khí Mỹ theo cách mà các nước như: Pháp và Israel quảng bá các công ty của mình.

“Nếu bạn đến dự Hội chợ hàng không Pháp, bạn sẽ thấy Ngoại trưởng Pháp đứng trước gian hàng của Airbus. Chúng tôi cũng sẽ phải thay đổi văn hóa bán hàng của mình” - một quan chức Mỹ nói.

Theo Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng Mỹ, doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Washington trong năm ngoái đạt 42 tỉ USD. Giới chuyên gia cho biết, xuất khẩu vũ khí của Nga - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ - thường chỉ bằng một nửa.

“Tổng tư lệnh bán hàng”

Mặc dù cũng có nhiều tổng thống đã giúp thúc đẩy nền công nghiệp cuộc phòng của Mỹ, nhưng dường như không ai giống như ông Donald Trump - một vị Tổng thống xuất thân từ doanh nhân tỉ phú bất động sản - người đôi khi dường như thoải mái nhất khi quảng bá hàng hóa Mỹ.

Ông Donald Trump thường xuyên thảo luận việc bán vũ khí với các nhà lãnh đạo nước ngoài trong các cuộc điện thoại hoặc gặp gỡ, theo các tuyên bố của Nhà Trắng. Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 11 năm ngoái, ông Donald Trump công khai kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe mua thêm vũ khí Mỹ.

Gần đây, trong một cuộc họp tại Phòng Bầu Dục với Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman tháng trước, ông Donald Trump treo tấm áp phích với hình ảnh máy bay, tàu chiến, trực thăng và các vũ khí khác của Mỹ bán cho Saudi Arabia. “Chúng tôi có sản phẩm quân sự tốt nhất thế giới” - ông Donald Trump khoe với phóng viên khi ngồi cạnh Thái tử Salman.

“Các tổng thống khác, trong đó có Richard Nixon, Bill Clinton hay George W.Bush cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nền tảng công nghiệp quốc phòng, nhưng họ làm tế nhị hơn. Không ai thẳng thừng như ông Donald Trump” - William Hartung - Giám đốc dự án an ninh và vũ khí tại Trung tâm Chính sách Quốc tế nói.

Hợp đồng Boeing bán vũ khí cho Kuwait được ông Donald Trump đưa ra trong cuộc điện đàm ngày 17.1 với Quốc vương Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah cho thấy chính quyền Mỹ đang nghiêm túc như thế nào trong việc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí. Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận thỏa thuận này vào tháng 11.2016 - những tháng cuối cùng của chính quyền Barack Obama, để bán cho Kuwait 40 máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet.

Nhưng Kuwait dường như muốn trì hoãn đàm phán, và việc mua bán vẫn chưa hoàn tất cho đến thời điểm Quốc vương Kuwait ghé thăm ông Donald Trump tại Nhà Trắng vào tháng 9 năm ngoái. Sau nhiều tháng trì hoãn, Boeing đã đề nghị ông Donald Trump đề cập trực tiếp với phía Kuwait trong cuộc điện đàm hồi tháng giêng - hai nguồn tin cho biết. Và lần này, ông Donald Trump đã tạo sự khác biệt.

Chỉ vài ngày sau đó, các phương tiện truyền thông Nhà nước Kuwait đưa tin thỏa thuận đã xong. Chính phủ Kuwait không trả lời đề nghị bình luận, còn phát ngôn viên của Boeing từ chối bình luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn