MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong phòng điều trị tích cực ở một bệnh viện tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: TO.

Bệnh nhân COVID-19 nguy kịch được cứu sống nhờ liệu pháp mới

Thanh Hà LDO | 03/03/2020 13:09

Một ca nhiễm COVID-19 nặng ở Trung Quốc đã hồi phục đáng kinh ngạc sau khi được điều trị bằng tế bào gốc, theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc. 

Bệnh nhân COVID-19 nặng này là một phụ nữ Trung Quốc 65 tuổi ở phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Bảo Sơn ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Bệnh nhân đã giành giật sự sống trong vòng gần 2 tuần sau khi nhiễm COVID-19, Today Online đưa tin. 

Theo tài liệu được nhóm nghiên cứu Đại học Côn Minh do bác sĩ Hu Min dẫn đầu vừa được công bố, chỉ 4 ngày sau khi được tiêm liều tế bào gốc dây rốn đầu tiên, bệnh nhân này đã có thể đứng lên và có thể đi lại. 

"Mặc dù chỉ có một ca trong nghiên cứu này nhưng nó cho thấy tầm quan trọng và truyền cảm hứng cho các thực tiễn lâm sàng tương tự trong điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng" - nghiên cứu được công bố hồi tuần trước trên trang Chinaxiv.org. 

Phương pháp điều trị này có thể là một phương án lý tưởng trong sử dụng hoặc kết hợp với các chất điều chế tín hiệu miễn dịch khác, tài liệu của nhóm nghiên cứu cho biết. 

Ca nhiễm virus được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc ở Vân Nam là một trong 14 ca được điều trị bằng phương pháp này ở Trung Quốc, theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Kỹ thuật này dù vẫn chưa có được lời đáp rõ ràng nhưng cũng đã mang tới hi vọng cho các cơ quan y tế và giới chuyên gia y tế rằng có thể là cứu cánh cho các bệnh nhân nguy kịch. 

Bệnh nhân ở Côn Minh tới thành phố hôm 21.1 trên một chuyến bay từ Vũ Hán, thủ phủ tình Hồ Bắc, tâm bùng phát dịch bệnh. Một tuần sau bà trở bệnh với triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi và ho nên đã tới một bệnh viện công và được xác nhận dương tính với COVID-19. Từ đây, bệnh nhân này được chuyển tới bệnh viện Bảo Sơn. 

Theo những chỉ dẫn nghiêm ngặt về điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của chính phủ Trung Quốc, đầu tiên sử dụng thuốc kháng virus và kháng sinh cũng như cho bệnh nhân thở oxy. Bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Côn Minh này vốn đã bị tiểu đường tuýp 2. Tình trạng của bà được cải thiện lúc đầu nhưng sau đó nhanh chóng xấu đi và được chuyển tới phòng điều trị đặc biệt từ ngày 1.2. 

Tuy nhiên, tình trạng không được cải thiện và sức khỏe của bệnh nhân này xấu đi khi các cơ quan trong cơ thể bắt đầu yếu đi dẫn tới các bác sĩ phải nhanh chóng ra quyết định. Vì thế, sau khi tham khảo ý kiến của ủy ban y đức của bệnh viện và gia đình bệnh nhân, liệu pháp tế bào gốc bắt đầu được sử dụng từ ngày 9.2. 

Các tế bào gốc được sử dụng trong nghiên cứu ở Côn Minh được lấy từ dây rốn của trẻ sơ sinh nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Các bác sĩ cân nhắc sử dụng liệu pháp tế bào gốc bởi các nghiên cứu khác cho thấy COVID-19 gây tổn thương nghiêm trọng tới gan, phổi và các cơ quan khác trong cơ thể. Các thử nghiệm tiến hành ở động vật cho thấy các tế bào gốc có thể tái tạo các tổn thương đó. 

Theo tài liệu được công bố, bệnh nhân Côn Minh được tiêm 3 mũi đầu tiên vào ngày 9.2. Sau khi cho thấy không có tác dụng phụ nào với liều ban đầu, bệnh nhân được tiêm liều thứ hai vào 3 ngày sau. Đến ngày 13.2, bệnh nhân đã có thể ra khỏi giường và đi bộ đoạn ngắn với một ít sự giúp đỡ. 

Bệnh nhân này được tiêm liều cuối cùng vào ngày 15.2 và 2 ngày sau đã có thể rời phòng điều trị đặc biệt, trở lại phòng bệnh bình thường. 

Dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân trở lại bình thường và xét nghiệm dịch họng cho thấy bệnh nhân đã âm tính với COVID-19. 

Theo bác sĩ Li Honghui - người tham gia vào các xét nghiệm tương tự tại bệnh viện Trung ương Loudi ở tỉnh Hồ Nam, tiêm tế bào gốc có thể mang lại kết quả đáng kể trong vòng 3 ngày.

Ông Zhang Xinmin - giám đốc công nghệ sinh học của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc thông tin trong cuộc họp báo ngày 15.2 rằng, các kết quả sơ bộ của thử nghiệm tế bào gốc được thực hiện ở Trung Quốc cho thấy công nghệ này "an toàn và hiệu quả". 

Các bệnh viện ở Hoàng Cương - một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 ở tỉnh Hồ Bắc đã nhận lô tế bào gốc đầu tiên vào tuần trước và sẽ điều trị cho 3 bệnh nhân nặng, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. 

Một bài viết khác trên Chinaiv hồi tuần trước cũng nói rằng, các bệnh nhân ở Bắc Kinh được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc đã có kết quả tương tự như người phụ nữ ở Côn Minh. 

Tế bào gốc là những tế bào giai đoạn đầu có tính thích nghi cao, phát triển thành các dạng khác nhau để tạo ra mô, cơ quan hoặc dịch cơ thể. Công nghệ tế bào gốc xuất hiện từ những năm 1980 nhưng cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn