MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Guy's & St Thomas đã giúp một người đàn ông 59 tuổi cuối cùng đã vượt qua được COVID-19 sau hơn 13 tháng. Ảnh: AFP

Bệnh nhân dương tính với COVID-19 hơn 1 năm được chữa khỏi tại Anh

Anh Vũ LDO | 04/11/2022 11:56
Ban đầu, các bác sĩ Anh không biết bệnh nhân này mắc COVID-19 nhiều lần hay một lần.

Các nhà nghiên cứu Anh hôm 4.11 thông báo họ đã chữa khỏi cho một người đàn ông liên tục bị mắc COVID-19 trong 411 ngày bằng cách phân tích mã di truyền của loại virus cụ thể của anh ta để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp, theo France24.

Mắc COVID-19 dai dẳng không khỏi là một tình trạng ít gặp của căn bệnh này. Khác với tình trạng mắc bệnh kéo dài hoặc lặp lại từng đợt, mắc COVID-19 dai dẳng xảy ra ở một số ít bệnh nhân có hệ miễn dịch đã suy yếu, khiến virus xâm nhập cơ thể và gây bệnh liên tục.

Với trường hợp của bệnh nhân ở Anh, tình trạng dương tính đã kéo dài tới 411 ngày, tức là hơn một năm nằm viện vì COVID-19.

Luke Snell, bác sĩ chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Guy's & St Thomas, Anh, cho biết những bệnh nhân này có thể dương tính với COVID-19 trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm với tình trạng nhiễm trùng liên tục.

Cũng theo ông Snell, tình trạng nhiễm trùng này có thể đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng của người bệnh vì khoảng một nửa số bệnh nhân có các triệu chứng như viêm phổi dai dẳng.

Người mắc COVID-19 lâu nhất thế giới

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Lâm sàng, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Guy's & St Thomas và Đại học King tại London đã mô tả cách một người đàn ông 59 tuổi cuối cùng đã vượt qua được căn bệnh nhiễm trùng của mình sau hơn 13 tháng mắc COVID-19.

Người đàn ông này đã bị suy giảm hệ miễn dịch do ghép thận, mắc COVID-19 vào tháng 12.2020 và liên tục cho kết quả dương tính cho đến tháng 1.2022.

Các bác sĩ làm việc trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra. Ảnh: AFP

Để khám phá xem liệu bệnh nhân mắc COVID-19 nhiều lần hay là một lần nhưng dai dẳng, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phân tích di truyền nhanh với công nghệ giải trình tự nanopore. Thử nghiệm cho thấy người đàn ông có một biến thể B.1 ban đầu chiếm ưu thế vào cuối năm 2020 nhưng sau đó đã bị thay thế bởi các chủng mới hơn.

Vì có biến thể B.1 ban đầu này, các nhà nghiên cứu đã cho bệnh nhân sử dụng kết hợp kháng thể đơn dòng casirivimab và imdevimab từ Regeneron, phương pháp điều trị này không còn được sử dụng rộng rãi vì nó không hiệu quả đối với các biến thể mới hơn như Omicron.

Virus ngày càng kháng nhiều thuốc

"Các biến thể rất mới đang ngày càng phổ biến hiện nay có khả năng kháng lại tất cả các loại kháng thể có sẵn ở Anh, EU và bây giờ là cả Mỹ”, ông Snell cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số phương pháp điều trị cũ giống như vậy để cố gắng cứu một người đàn ông 60 tuổi bị bệnh nặng vào tháng 8.2022, người đã bị nhiễm bệnh từ tháng 4 năm nay, tuy nhiên không có tác dụng.

"Chúng tôi thực sự nghĩ rằng anh ấy sẽ chết", Snell nói.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã nghiền nát thuốc của hai phương pháp điều trị kháng virus trước đây vốn không được sử dụng cùng nhau, Paxlovid và remdesivir, và cho bệnh nhân bất tỉnh dùng thuốc qua ống mũi.

“Thật kỳ diệu anh ấy đã khỏi và có lẽ đây là cách điều trị những ca mắc dai dẳng rất khó chữa này,” Snell nói và nhấn mạnh rằng phương pháp điều trị này có thể không có hiệu quả đối với những trường hợp mắc COVID-19 bình thường.

Tại hội nghị của Hiệp hội vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm Châu Âu vào tháng 4, nhóm nghiên cứu đã công bố trường hợp nhiễm trùng dai dẳng lâu nhất được biết đến ở một người đàn ông có kết quả xét nghiệm dương tính trong 505 ngày trước khi qua đời.

"Trường hợp rất đáng buồn" đó xảy ra trước đó trong đại dịch, Snell nói, và nói thêm rằng anh rất biết ơn vì giờ đây đã có rất nhiều lựa chọn điều trị khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn