MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa ngoại hành tinh GJ 367b có quỹ đạo cực ngắn, chỉ kéo dài trong 7,7 giờ. Ảnh: NASA

Bí ẩn ngoại hành tinh nóng rực có chu kỳ cực ngắn ngoài Hệ Mặt trời

Phương Linh LDO | 03/12/2021 10:59
Một ngoại hành tinh bí ẩn nóng như thiêu đốt không giống bất kỳ hành tinh nào trong Hệ Mặt trời vừa được các nhà khoa học phát hiện.

Theo kết quả nghiên cứu mới vừa được công bố, ngoại hành tinh được gọi là GJ 367b, đang quay quanh một ngôi sao lùn đỏ nhỏ và mờ chỉ cách Mặt trời 31 năm ánh sáng. Để dễ hình dung, thiên hà của chúng ta rộng khoảng 100.000 năm ánh sáng. 

GJ 367b là một hành tinh toàn đá, có kích thước bằng khoảng 70% Trái đất và khối lượng bằng 55%, khiến nó trở thành một trong những ngoại hành tinh nhẹ nhất được biết đến. 

GJ 367b có quỹ đạo cực ngắn, cứ sau 7,7 giờ đã hoàn thành một chu kỳ quay. Do đó, nó được xếp vào loại hành tinh "có chu kỳ cực ngắn" (USP) - một loại hành tinh bí ẩn và ít được nghiên cứu.

"Chúng tôi chỉ biết một vài hành tinh loại này, nhưng nguồn gốc của chúng hiện vẫn chưa được xác định" - đồng tác giả nghiên cứu Kristine WF Lam, thuộc Viện Nghiên cứu Hành tinh của Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR), cho hay.

Theo tác giả nghiên cứu, bằng cách đo lường các đặc tính cơ bản chính xác của hành tinh USP, chúng ta có thể có được cái nhìn sơ lược về lịch sử hình thành và tiến hóa của ngoại hành tinh này.

Hành trình phát hiện ra ngoại hành tinh bí ẩn

Nhóm các nhà nghiên cứu DLR đã phát hiện ra GJ 367b bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập được từ Vệ tinh Khảo sát Hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA, đi vào vận hành từ năm 2018.

TESS tìm kiếm các hành tinh bằng cách sử dụng "phương pháp quá cảnh", ghi nhận những vết mờ trong ánh sáng của một ngôi sao gây ra bởi một hành tinh đi ngang qua phía trước. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hiện tượng như vậy xảy ra với sao lùn đỏ GJ 367, sau đó xác nhận rằng tín hiệu là do một hành tinh chuyển tiếp gây ra.

 Vệ tinh Khảo sát Hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA. Ảnh: NASA

Các quan sát của TESS cũng tiết lộ chu kỳ quỹ đạo siêu ngắn của ngoại hành tinh GJ 367b, cũng như kích thước của nó so với ngôi sao chủ. Với sự hỗ trợ của Máy tìm kiếm hành tinh vận tốc xuyên tâm có độ chính xác cao (HARPS) tại Đài quan sát Nam Âu ở Chile, các nhà nghiên cứu đã mô hình hóa hơn nữa các đặc điểm của GJ 367b. Theo đó, nó có mật độ cao hơn Trái đất và bị chi phối bởi một lõi sắt - đặc tính tương tự như sao Thủy trong Hệ Mặt trời.

GJ 367b không phải là một hành tinh có điều kiện thuận lợi cho sự sống. Nguyên nhân là do nó ở vị trí cực gần với ngôi sao chủ nên bị bức xạ sao thổi bay. Ngoại hành tinh này hấp thụ lượng bức xạ lớn gấp 500 lần so với lượng bức xạ mà Trái đất nhận được từ mặt trời.

Các nhà nghiên cứu nhận định, nếu GJ 367b từng có một bầu khí quyển, thì gần như chắc chắn khí quyển này đã bị mất tích vào không gian từ lâu. Ngoại hành tinh luôn chỉ quay một mặt duy nhất về ngôi sao chủ của nó với nhiệt độ nóng như thiêu đốt lên tới 1.500 độ C.

Hiện vẫn chưa rõ GJ 376b đã được hình thành như thế nào, nhưng các tác giả đã đưa ra một số kịch bản khả thi để giải thích cấu trúc và thành phần của nó. Ví dụ, ngoại hành tinh được hình thành từ các khối vật thể giàu sắt kỳ lạ hoặc có thể là tàn tích của một hành tinh lớn hơn sau khi bị bức xạ sao chủ thổi bay hay bị va chạm mạnh.

Sự kỳ lạ của ngoại hành tinh GJ 367b đang gây tò mò cho các nhà khoa học hành tinh và vật lý thiên văn về việc làm thế nào hành tinh kiểu này có thể đến gần ngôi sao chủ của nó, quá trình này diễn ra ra sao.

Một điều thuận lợi là GJ 367b ở vị trí rất gần Trái đất nên các nhà khoa học hy vọng trong tương lai không xa họ sẽ có thể hiểu hơn về hành tinh này. Ngoài ra, xuất phát từ đây, họ có thể tìm kiếm thêm trong các hệ thống hành tinh khác, trong đó bao gồm cả những hành tinh có khả năng hỗ trợ tồn tại sự sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn